Đây cũng chính là lời khuyên của mình dành cho các bạn: Nếu thực sự
muốn tiến đến một cuộc “hò hẹn” với nước Mỹ hay bất kì một quốc gia có
nền giáo dục tiên tiến nào khác, các bạn nên có sự chuẩn bị sớm, càng sớm
càng tốt. Để trong trường hợp, nếu không đạt số điểm như mong muốn, các
bạn có cơ hội về thời gian để làm lại. Như mình, hầu như tất cả các chứng
chỉ quốc tế mình đều phải thi đến lần thứ ba mới đạt số điểm như kì vọng.
Nhưng chỉ có các chứng chỉ chuẩn không thôi cũng chưa đủ, mình nhớ là
khi ấy, có nhiều lá thư các cô chú nói với mình về một cái gọi là “Ước mơ
thực sự”.
Ừ thì bạn có ước mơ rồi, nhưng bạn muốn làm gì bên ấy.
Ừ thì bạn có ước mơ rồi, nhưng bạn nghĩ bạn có thể thực hiện điều gì
nếu ước mơ đó đến với bạn.
Ừ thì bạn có ước mơ rồi, nhưng bạn tự cho rằng, bạn có những tiêu
chuẩn gì để các trường ở Mỹ có thể chọn bạn.
Nói chung là rất nhiều câu hỏi. Nó khiến mình suy nghĩ rất lâu về điều
này.
Mình hiểu, từ sâu xa, các cô chú muốn cho mình thấy, mình cần từ bỏ
những hào quang lấp lánh của truyền thông để tự tìm hiểu giá trị thật của
bản thân, để biết mình đang có gì và cần gì.
Những điều này, bố mẹ cũng thường hay trò chuyện với mình và cả bản
thân mình cũng đã rất nhiều lần tự hỏi và tự trả lời nên mình khá bình tĩnh
trước những yêu cầu của các cô chú.
Và điều mình đặc biệt thích là các cô chú luôn nói, các cô chú chỉ hỗ trợ
mình, chỉ ra cho mình con đường cần hướng tới còn lại mọi việc mình phải
tự lo liệu.
Sau này, khi đã sang Mỹ du học, mình luôn thầm cảm ơn vì những điều
đó. Việc tự lập ngay từ lúc còn có thể “dựa dẫm” được sẽ khiến mình mạnh
mẽ hơn, bản lĩnh hơn và có đủ niềm tin vào chính bản thân mình.
Và đây là lời khuyên thứ hai của mình dành cho các bạn: Hãy tìm hiểu
các nguồn hỗ trợ từ bên ngoài nhưng cũng nên cố gắng tự bước đi bằng đôi
chân của mình. Và bạn sẽ cảm nhận được niềm hạnh phúc ngay trong từng
bước đi của mình.