tôi chỉ biết đây là bản nhạc có tên gọi “Hẹn ước nơi Thiên đường”. Trong
trường nhạc coi đây là bản nhạc để tập luyện, xuất xứ và sử dụng đều
không biết. Lâm Tinh không chú ý đến nội dung hai người nói với nhau.
Nhưng cô rất thích bản nhạc này, thích cái thâm trầm sâu sắc. Khúc nhạc
làm cô nghĩ đến những nỗi xót xa và niềm khổ đau cao thượng, thậm chí cô
phải rơi nước mắt.
Về sau, ban nhạc của bar Thiên Đường đã thay đổi, nghe nói ông chủ quán
bar đã thay đổi. Ban nhạc mới trống phèng tung tóe thay cho không khí của
những bản Jazz sâu lắng cổ xưa. Nhạc thay đổi làm cho cảm giác của quán
bar cũng thay đổi theo, cảm thấy không còn linh hồn.
Sau đấy Lâm Tinh không đến đây nữa.
Cũng vì từ đấy Lâm Tinh không còn thời gian nhàn rỗi. Sau khi phỏng vấn
ông Ngô Trường Thiên, tòa soạn chấp nhận đề tài. Cô bắt đầu bận, ngày
nào cũng phải đến các cơ sở của tập đoàn Trường Thiên ở Bắc Kinh thu
thập tư liệu cần thiết cho bài viết. Đây là thách thức đầu tiên đối với sự
nghiệp của Lâm Tinh kể từ sau ngày ra trường, cho nên cô phải chuyên
tâm, không còn thời gian đến quán bar. Nhưng khi tiếp xúc với cán bộ và
nhân viên rất thực tế của doanh nghiệp, một không khí sống khác với ở các
quán bar và những sinh hoạt đêm, cô có cảm giác trở về với dòng chính của
cuộc sống. Thậm chí cô sống thể nghiệm mấy ngày ở trung tâm giải trí
Kinh Thiên trực thuộc tập đoàn Trường Thiên tại Bắc Kinh, lần lượt thể
nghiệm trách nhiệm và nỗi khổ của nhân viên phục vụ, công nhân vệ sinh
và nhân viên thu ngân, đồng thời kết bạn với nhiều người lớn tuổi. Trong
đó có không ít người vốn là công nhân mất việc ở các doanh nghiệp nhà
nước. Hầu hết họ đều tỏ ra cảm động thực sự đối với tập đoàn Trương
Thiên. Trong báo cáo điều tra của Lâm Tinh, hành động của Trường Thiên
thu hút đại bộ phận công nhân mất việc của các doanh nghiệp nhà nước,
cũng được coi là một ví dụ cấu thành đạo đức doanh nghiệp của tập đoàn
này.