Ford cũng là người đầu tiên thiết lập dịch vụ sau bán hàng. Khi
đó, các nhà sản xuất ôtô đều chỉ chú trọng vào việc bán hàng hơn là
vào việc xây dựng các mối quan hệ với khách hàng, và công việc làm
ăn được coi là trôi chảy khi họ ép được khách hàng phải mua nhiều
phụ tùng hơn. Ford cho rằng bán được ôtô mới chỉ là bước đầu đặt
quan hệ với khách hàng. Ôtô của hãng được chế tạo rất bền,
nhưng cũng được đảm bảo là các đồ phụ tùng có thể dùng được cho
nhiều đời xe khác nhau, rẻ và cũng dễ lắp đặt.
Dịch vụ lý tưởng này quả là điên rồ đối với các nhà sản xuất ôtô
khác, nhưng niềm tin mà nó mang lại trong công chúng quả là vô
giá. Những kinh nghiệm trước đây với các nhà đầu tư đã cho thấy
nguyên tắc “lợi nhuận trên đồng đô la” thường phá hỏng sức sáng
tạo của một doanh nghiệp. Các doanh nghiệp không phải là con gà đẻ
trứng vàng; các doanh nghiệp phải đưa ra những thứ giúp cuộc sống
tốt đẹp hơn, và nếu họ làm được như vậy, lợi nhuận đến với họ là
điều tất yếu.
Là một nhân vật để lại dấu ấn lớn lao trong thế kỷ 20, ở Ford
hội tụ hai đặc điểm thường thấy ở những người siêu thành đạt: quan
điểm độc đáo và có ảnh hưởng sâu rộng, có khả năng làm thay đổi cả
thế giới; và sự chú trọng đặc biệt đến những chi tiết có thể khiến
người khác phát bực.
Tất nhiên, những thành quả ông đạt được rất thú vị, nhưng
Ford muốn nói gì với chúng ta thông qua cuốn Cuộc đời và sự
nghiệp của tôi? Những lời cuối trong cuốn sách về khái niệm “giá
trị sử dụng” chính là những lời khuyên mà ông muốn nói, rằng
chúng ta đừng quá chú trọng vào việc dành dụm. Ông nói: “Đó không
phải là “để dành” mỗi khi ta ngăn chính bản thân mình trở nên hữu
ích hơn. Khi làm như vậy là tự ta sẽ lấy đi vốn liếng cuối cùng của
mình; lấy đi giá trị của một trong những vốn đầu tư của tự nhiên.”