lao động thì tốt hơn hết là hãy lao động một cách thông minh và
biết lo xa. Ta làm việc thế nào thì sẽ nhận được kết quả tương ứng
như vậy. Tôi nhìn nhận tất cả những điều đó chỉ như những lý lẽ
thông thường và cơ bản trong đời sống.
Tôi không phải là nhà cải cách. Tôi cho rằng đã có quá nhiều nỗ
lực cải cách trên thế giới và chúng ta quan tâm quá mức đến những
nhà cải cách. Ở đây, chúng ta có hai loại nhà cải cách. Cả hai nhóm
này đều là những kẻ gây hại. Những kẻ tự gọi mình là nhà cải cách
muốn phá tan mọi thứ. Anh ta là loại người sẽ xé toạc chiếc áo sơmi
chỉ vì cái khuy cổ không vừa với lỗ khuyết mà không bao giờ nghĩ
đến việc nới rộng lỗ khuyết áo đó. Loại nhà cải cách này, trong bất
cứ hoàn cảnh nào, cũng không bao giờ biết thực sự họ đang làm gì.
Kinh nghiệm và việc cải cách không đi đôi với nhau. Một nhà cải cách
sẽ không thể giữ được cơn giận sục sôi khi phải đứng trước thực tế.
Và thế là anh ta sẽ phải loại bỏ mọi thực tế xảy ra.
Từ năm 1914, nhiều người đã bắt đầu có được những kiến
thức hoàn toàn mới. Họ bắt đầu thực sự suy nghĩ. Họ bừng tỉnh và
nhận ra rằng mình đang ở trong một thế giới thực. Được chiêm
nghiệm sự độc lập thật sự, họ nhận ra rằng mình có thể nhìn nhận
thế giới bằng một cái nhìn phê phán. Họ đã làm như vậy và nhận ra
rằng đó là sai lầm. Lúc đầu, tình trạng tự cho mình quyền chỉ
trích hệ thống xã hội – thực ra mọi người đều có thể tự cho mình
cái quyền đó – là rất không công bằng. Những nhà phê bình quá
non trẻ lại càng mất công bằng hơn. Họ có xu hướng quá nghiêng
về hướng gạt bỏ cái cũ và bắt đầu cái mới hoàn toàn. Chính tại đó
chúng ta có thể nghiên cứu tốt nhất về vai trò và hoạt động của
những người kiến tạo nên thế giới. Chúng ta còn học được rằng
khi con người đề ra các điều luật xã hội trái ngược với qui luật tự
nhiên thì Tự nhiên sẽ bác bỏ các điều luật đó.