Nền kinh tế thuộc sở hữu tư nhân hay quản lý tập thể không phải là
vấn đề quan trọng; phần đóng góp của công nhân được gọi là
“tiền lương” hay “cổ tức” cũng không quan trọng; và cũng chẳng có
gì quan trọng khi ta bố trí những người lao động ăn, mặc, ở theo tập
thể hay để cho họ được tự do ăn uống, mặc và sống theo cách mà
họ muốn. Đó chỉ là những vấn đề tiểu tiết. Sự bất lực của những
người lãnh đạo Bôn-sê-vích bộc lộ từ chỗ họ quá quan trọng hoá
những chi tiết đó. Trong khi đó, hệ thống của chúng ta vẫn đứng
vững. Nó có sai sót không? Tất nhiên là có sai sót ở hàng nghìn
điểm. Đó có phải là một sự vụng về không? Tất nhiên là nó vụng
về. Theo đúng lẽ phải và hợp lý thì nó phải sụp đổ. Nhưng nó đã
không sụp đổ bởi vì đó là bản năng sinh tồn, gắn liền với những
nguyên tắc kinh tế và đạo đức cơ bản.
Nguyên tắc kinh tế cơ bản đó chính là lao động. Lao
động chính là thứ mà con người đã tạo ra và làm cho những mùa bội
thu trên trái đất trở thành hữu ích cho loài người. Sức lao động của
con người tạo ra mùa màng. Đó chính là nguyên tắc kinh tế cơ bản:
mỗi người trong chúng ta lao động bằng những nguyên vật liệu mà
chúng ta không hoặc không thể tạo ra, nhưng đó là những thứ mà
thiên nhiên đã ban tặng cho con người.
Còn nguyên tắc đạo đức cơ bản đó chính là quyền lợi
của con người đối với sức lao động của chính mình. Nó được
phát biểu dưới nhiều dạng khác nhau. Có lúc nó được gọi là “quyền
sở hữu”. Có lúc nó lại được nguỵ trang dưới khẩu hiệu “không thể bị
tước đoạt”. Đó là quyền của con người đối với tài sản của mình và vì
thế ăn cắp sẽ bị coi là một tội. Khi một người kiếm được một cái
bánh mì thì anh ta có quyền đối với cái bánh mì đó. Nếu người
khác lấy trộm nó, thì người đó đã làm một việc xấu xa hơn cả trộm
cắp; anh ta đã xâm hại đến quyền con người thiêng liêng của
người khác. Nếu chúng ta không thể sản xuất thì chúng ta không