lính Mỹ thì vẫn có mặt ở châu Âu năm 1917. Ông đã tuyên bố rằng: “Họ đã
không đếm xỉa gì đến ý kiến của tôi. Vậy thì họ sẽ phải chịu những hậu quả
thảm khốc do chiến tranh mang lại”. Trong rất nhiều những trang tài liệu
nghiên cứu về Henry Ford, một đặc điểm chung là người viết đều nói về
tính cách khá cực đoan và độc đoán của ông. Với tính cách ấy, rất nhiều
người sẽ nghĩ rằng Ford sẽ từ chối lời đề nghị của chính phủ. Ford có thể
làm thế bởi vì ông có đủ lý do để biện minh cho hành động của mình.
Nhưng Ford lại đồng ý với đề nghị của những người mà chỉ vừa mới trước
đó một năm thôi không hề coi trọng đề nghị tha thiết của ông. Hơn nữa,
Ford lại cam kết vẫn tiếp tục cung cấp tài chính cho bệnh viện trong thời
gian điều trị cho cựu chiến binh.
Kết thúc thời gian làm việc cho chính quyền Liên bang, Ford đã đầu tư một
số tiền lớn để mở rộng quy mô bệnh viện. Lần này thì một bệnh viện với
đầy đủ chức năng đã được mọc lên. Năm 1921, 50.000m2 diện tích nhà cửa
được xây mới, trong đó có đầy đủ các khu vực chức năng như phòng mổ,
phòng nghiên cứu hiện đại. Sự phát triển về quy mô của bệnh viện đã giúp
nó thu hút được rất nhiều bác sĩ giỏi đến từ bệnh viện Johns Hopkins - một
bệnh viện đầu ngành của nước Mỹ. Với sự tăng trưởng về quy mô như vậy,
bệnh viện Henry Ford có thể tiếp nhận được trong cùng một thời gian 500
bệnh nhân.
Không bằng lòng với những gì đã đạt được, Henry Ford còn cho xây dựng
một trường đào tạo y tá cho riêng bệnh viện của mình. Trong 71 năm hoạt
động, trường này đã đào tạo được hơn 5.000 y tá. Số y tá này không phải tất
cả đều làm việc trong bệnh viện Henry Ford, mà đây là trường cung cấp y tá
cho nhiều bệnh viện trên nước Mỹ. Tại những nơi này, họ đều được đánh
giá rất cao. Dư luận trong giới y học Mỹ đều cho đây là một trong những
nơi đào tạo y tá tốt nhất cả nước. Hoạt động xã hội này của Henry Ford
được sự ủng hộ rất nhiệt tình của người vợ Clara. Năm 1925, bà đã bỏ tiền
túi của mình ra để xây dựng 300 phòng ở cho các học viên tại trường đào
tạo y tá. Khu nhà này sau này được mang tên Clara.