Sau đó, Ngài Hamilton đọc phác thảo của ông như sau:
I. Quyền lập pháp tối cao của Hợp chúng quốc được trao cho hai Viện. Viện
thứ nhất được gọi là Hội đồng Lập pháp (Assembly), Viện kia được gọi là
Thượng viện (Senate), để cùng nhau hình thành cơ quan lập pháp của Hợp
chúng quốc, có quyền thông qua bất cứ đạo luật nào và có quyền phủ quyết
như được trình bày sau đây.
II. Hội đồng Lập pháp sẽ do dân chúng bầu với nhiệm kỳ ba năm.
III. Thượng viện bao gồm những người được bầu chọn và làm việc suốt đời
nếu có tư cách tốt. Việc bầu chọn này do những đại cử tri bầu ra. Các đại cử
tri lại được nhân dân bầu ra. Để thực hiện việc bầu chọn, các tiểu bang sẽ
được chia thành các quận bầu cử. Khi bất kỳ Thượng nghị sĩ nào chết, bị sa
thải, hay từ chức thì ghế của ông ta sẽ được thay thế bởi một cuộc bầu cử tại
chính quận mà ông ta được bầu chọn.
IV. Quyền hành pháp tối cao của Hợp chúng quốc được trao cho một viên
Thống sứ (Governour), có nhiệm kỳ suốt đời nếu có tư cách đạo đức tốt.
Việc bầu chọn sẽ do những đại cử tri tiến hành. Các đại cử tri này lại được
dân chúng bầu ra tại các quận bầu cử như trên đã trình bày. Thẩm quyền và
chức năng của bộ máy hành pháp như sau: có quyền phủ quyết mọi đạo luật
đã được thông qua; quyền điều hành mọi đạo luật đã được phê chuẩn;
quyền điều hành chiến tranh khi được cơ quan lập pháp cho phép; quyền ký
kết mọi Hiệp ước với sự tư vấn và phê chuẩn của Thượng viện; có toàn
quyền bổ nhiệm các viên chức đứng đầu các bộ Tài chính, Chiến tranh,
Ngoại giao; quyền đề cử mọi viên chức khác (bao gồm các đại sứ tại nước
ngoài) để Thượng viện phê chuẩn; có quyền ân xá mọi tội lỗi, trừ tội phản
quốc. Ông ta không được thi hành quyền này nếu không được phép của
Thượng viện.
V. Trong trường hợp Thống sứ chết, từ chức, hay bị cách chức, mọi quyền
hành của ông ta được trao cho Chủ tịch Thượng viện cho đến khi bầu ra
một viên Thống sứ khác thay thế.