chép sử đời sau sẽ viết tiếp các trang sử của đất nước. Trong đó có một dấu
mốc quan trọng là năm 1479, khi Ngô Sĩ Liên soạn xong bộ Đại Việt sử ký
toàn thư. Trong lời Tựa sách, ông có nói rõ cách làm của mình là "lấy hai bộ
sách tiên hiền ra, hiệu chính biên soạn lại". Hai bộ sách ấy là Đại Việt sử ký
của Lê Văn Hưu và phần "Tục biên" của Phan Phu Tiên.
Sau Ngô Sĩ Liên, các sử quan thời Lê tiếp nối công việc biên soạn bộ
quốc sử, "cập nhật" các sự kiện tiếp tục diễn ra. Có thể kể đến các tên tuổi:
Vũ Quỳnh, Lê Tung, Phạm Công Trứ và cuối cùng là Lê Hy, người đã
"chốt" lại "diện mạo" của bộ Đại Việt sử ký toàn thư như ta biết hiện nay. Lê
Hy hoàn thành công việc này vào năm 1697 là năm Chính Hòa thứ 18 đời
Lê Hy Tông. Khoảng cuối năm đó, ông đem bộ sử dâng nộp lên và được
triều đình cho "sai thợ khắc in, ban bố trong thiên hạ, để cho những sự tích
trước đây trăm ngàn năm chưa tập hợp lại, nay được hoàn thành", như lời
Tựa sách của ông có viết.
Như vậy có thể nói, bộ Đại Việt sử ký toàn thư đã được khắc in từ thời Lê,
cụ thể là vào năm 1697. Tuy nhiên, cho đến thập kỉ 80 của thế kỉ trước, các
ấn bản Đại Việt sử ký toàn thư mới được phổ biến ở nước ta là bản dịch từ
các bản khắc in dưới triều Nguyễn. Những bản này có nhược điểm là bị sai
nhiều do "tam sao thất bản", nhưng điều còn đáng nói hơn là nhiều tên riêng
bị đổi đi, do lệ kiêng húy rất triệt để dưới thời Nguyễn. Phải đến đầu những
năm 80, nhà sử học Phan Huy Lê mới tìm được bản in năm 1697 ở thư viện
nước Pháp, trong một chuyến sang công tác và ông đã đưa được văn bản này
về nước. Từ đó, các bộ Đại Việt sử ký toàn thư được xuất bản và sử dụng ở
nước ta đều là dịch từ bản này, còn được gọi là bản Chính Hòa. Đây có thể
coi là phần đóng góp quan trọng của các nhà sử học hiện đại vào việc gìn
giữ, phát huy giá trị bộ Đại Việt sử ký toàn thư, bộ quốc sử đầu tiên của Việt
Nam.