Trạng Bùng - vị nông thần của dân
Phùng Khắc Khoan không chỉ giỏi thơ văn, có tài chính trị, ngoại giao,
mà còn hiểu biết rộng về thiên nhiên, đặc biệt ông rất chú ý đến cuộc sống
của người dân. Trong chuyến đi sứ ở tuổi 70, ông luôn tìm hiểu về các nghề
thủ công và nghề nông của Trung Quốc. Thuở ấy, triều đình nhà Minh cấm
ngặt việc xuất các loại cây giống ra khỏi lãnh thổ. Nhưng khi trở về, Phùng
Khắc Khoan đã bí mật mang được nhiều giống cây trồng chưa có ở nước ta
như giống ngô, đậu đen, sắn, khoai lang...
Trở về nước, ông đã đem những giống cây ấy cho dân gieo trồng suốt dọc
đồng bằng ven sông Đáy. Ông lại phổ biến cho dân làng quê ông có thêm
nghề dệt lượt. Lượt Bùng nổi tiếng bắt nguồn từ đó.
Những năm tuổi cao, ông xin về nghỉ hưu tại quê nhà, cùng với dân thôn
vui cảnh đồng quê. Ông dạy họ nghề đúc và cải tiến cái cày, cái bừa cho việc
canh tác được tiện hơn. Ông hướng dẫn dân làng khai mương dẫn nước từ
núi Thầy về các cánh đồng Đặng Xá, Hoàng Xá, Phùng Xá. Để dân dễ nhớ,
ông còn làm một số bài thơ phổ biến trong dân. Các bài về cây cỏ, côn trùng,
thời tiết được tập hợp trong các tập Huấn đồng (Dạy trẻ) và Độc thi đa thức
(Biết thêm khi đọc Kinh Thi). Ông viết bài Đào nguyên hành (tức Lâm
tuyền vãn) bằng chữ Nôm, kể đến gần 170 loại rau, đậu, cây quả, gia súc,
gia cầm, cùng cách trồng, cách nuôi và ích lợi của chúng; lại soạn sách
Nông sự tiện lãm (Tìm hiểu nông nghiệp một cách thuận tiện).