của thầy ở trường cũ. Nhưng việc ở chùa nhiều đến nỗi chả mấy khi cậu
được rảnh rỗi mà hưởng niềm vui học tập. Chả lẽ chịu bó tay?! Không,
gương tự học của chàng thanh niên làng Phù Úng Phạm Ngũ Lão, cũng con
nhà nghèo khó mà tự phấn đấu trở thành người văn võ song toàn, đã thúc
giục cậu. Không được đến trường, cậu sẽ kiếm sách tự học. Không được
rảnh rỗi lúc ban ngày, cậu sẽ học về khuya. Từ đấy, đêm đêm ở góc chùa
Giao Thủy, Bá Tĩnh chong đèn thức học. Thiếu dầu, thiếu nến, cậu gom lá
đa đốt, dù bị khói chảy cả nước mắt cậu vẫn cố chịu. Chẳng mấy chốc,
người trong vùng đều kháo nhau về chú tiểu ở chùa Giao Thủy ham học lại
hay chữ, không có sách gì là không tìm đọc. Nhiều người đồ rằng chú không
thể cứ mãi ở chùa, mà đang quyết chí học đi thi để ra làm quan...
Một trận dịch bệnh khủng khiếp hoành hành khắp vùng Giao Thủy, gieo
rắc cái chết cho biết bao gia đình. Chùa Giao Thủy cũng không thoát khỏi
dịch bệnh. Mấy vị sư thầy, sư ông đã bị chết. Nhiều người đang lâm bệnh,
trong đó có vị Thượng tọa trụ trì. Bá Tĩnh vô cùng đau xót chứng kiến vị
Thượng tọa mà anh mang ơn đang lả dần về cõi chết. Mặc dù mới chỉ được
đọc về âm dương, ngũ hành, tự học ít nhiều về y thuật, Bá Tĩnh quyết lao
vào cuộc chiến giành lại mạng sống cho Thượng tọa và những người bệnh
khác. Anh quên ăn quên ngủ tìm hiểu sách thuốc, chạy đôn chạy đáo tìm
thầy tìm thuốc chữa cho Thượng tọa. Nhưng tất cả đều vô vọng. Thượng tọa
đã đến lúc lâm chung.
- Con thật vô dụng. - Bá Tĩnh quỳ sụp xuống nhìn Thượng tọa, nghẹn
ngào nói không nên lời.
- Không, mấy ngày nay con vất vả nhiều vì ta, ta biết lắm, - Thượng tọa
cố mở mắt nhìn Bá Tĩnh nói. - Con là người sáng láng. Con hãy trung với
đạo để mở mắt mở trí cho người đời...
- A di đà Phật, con sẽ đi theo con đường người bảo. Con sẽ theo đạo làm
thuốc để khỏi phải thấy cảnh đau lòng như thế này nữa.
Thượng tọa gật đầu định nói thêm điều gì, nhưng bàn tay đang nắm tay
Bá Tĩnh đã buông ra, mặc cho anh cuống quýt níu lại...
***