Đó có thể xem như một di chúc truyền ngôi, và Hồ Quý Ly đã không bỏ
qua cơ hội. Sau khi xây thành Tây Đô (thành nhà Hồ) ở Thanh Hóa, ông ép
vua rời về kinh đô mới và đến năm 1400 thì truất ngôi của Trần Thiếu Đế
bấy giờ mới 5 tuổi. Quý Ly tự lên làm vua, lập nên nhà Hồ, lấy quốc hiệu là
Đại Ngu.
Hồ Quý Ly đã tiến hành những cải cách lớn về chính trị, xã hội và kinh tế,
đảo lộn cả thể chế đã tồn tại mấy trăm năm. Ông đặt ra chế độ hạn điền, hạn
nô chỉ cho phép các quý tộc sở hữu một số ruộng đất và gia nô nhất định.
Khác với các triều đại trước, nhà Hồ nghiêm cấm không cho người thân
thích tham gia triều chính. Một việc chưa từng có là phát hành tiền giấy thay
cho tiền kim loại, điều mà các triều đại sau đó cũng không thực hiện được.
Nhà vua ban hành các tiêu chuẩn đo lường "cân, thước, đấu, thưng" thống
nhất trong toàn quốc. Mở các "quảng tế thư" để chữa bệnh cho người nghèo.
Giáo dục và học hành thi cử có sự đổi mới hầu như toàn diện. Hồ Quý Ly là
vị vua đầu tiên quyết định dùng chữ Nôm để chấn hưng nền văn hóa dân tộc.
Việc thi cử và chọn lựa quan chức cũng đi vào thực chất, không nặng về văn
chương mà có cả môn toán học. Tuy chỉ tồn tại ngắn ngủi, triều Hồ đã qua
thi cử chọn được những nhân tài xuất chúng cho đất nước, như Nguyễn Trãi,
Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên, Nguyễn Mộng Tuân...
Tiếc thay, những cải cách của ông chưa thực hiện được mấy thì đã bị giặc
Minh ồ ạt đem quân xâm lược (1407). Tồn tại vẻn vẹn có bảy năm, nhà Hồ
là triều đại "đoản mệnh" nhất trong lịch sử phong kiến nước ta.
Nhà sáng chế lớn của thời đại
Hồ Nguyên Trừng là con cả của Hồ Quý Ly. Nguyên Trừng từng làm
quan dưới triều Trần, năm 20 tuổi đã được trao chức Phán sư tự và đến năm
1399 được thăng tới chức Tư đồ (tương tự như cố vấn của nhà vua). Khi
người cha thoán ngôi nhà Trần, Nguyên Trừng vào tuổi 26, tài năng đang độ
thăng hoa. Hồ Quý Ly đã chọn ngôi Thái tử cho người con thứ là Hồ Hán
Thương, có lẽ bởi Hán Thương là cháu ngoại của vua Trần Minh Tông, dễ