trở, kết hợp với quân mai phục trang bị bằng hỏa lực mạnh, từng khiến cho
thủy binh giặc nhiều phen khiếp đảm.
Sáng chế nổi tiếng của Hồ Nguyên Trừng còn lưu lại trong sử sách là việc
chế tạo ra loại súng có sức công phá lớn, được gọi là "thần cơ". Súng thần
cơ có nhiều loại, từ nhỏ như súng trường dùng cho bộ binh đến loại nhỡ đặt
trên lưng voi hay di chuyển trên bánh xe. Đặc biệt là loại "thần công pháo"
hạng nặng, dùng để giữ thành hoặc đặt trên hạm thuyền. Để chế tạo các loại
pháo này, ông đã cải tiến kinh nghiệm chế tạo thuốc nổ từ xưa, đồng thời
cho xây dựng nhiều lò luyện đồng, luyện gang công suất lớn.
Ngoài việc lo chế tạo vũ khí, Hồ Nguyên Trừng còn trực tiếp chỉ huy
những trận đánh lớn với quân Minh. Nhưng cuối cùng quân ta đã bị thất bại
trước lực lượng áp đảo của giặc, lại không được sự ủng hộ của chính dân
mình. Cha con Hồ Quý Ly phải rút chạy về phía nam, bị truy đuổi và cuối
cùng bị bắt tại Hà Tĩnh.
Sử sách còn ghi lại câu nói nổi tiếng của Hồ Nguyên Trừng khi được vua
cha hỏi về việc chống giặc ngoại xâm:
- Thần không ngại đánh mà chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi.
Như vậy, Hồ Nguyên Trừng đã lường thấy được nguyên nhân thất bại của
nhà Hồ trước cuộc xâm lăng của giặc Minh chính là do chưa cố kết được
lòng dân như các vua Trần thuở trước.
Giấc mộng của "Ông già nước Nam"
Cả Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương, Hồ Nguyên Trừng cùng các con cháu và
nhiều vị quan văn võ trong triều bị quân Minh áp giải về Kim Lăng, Trung
Quốc. Hồ Quý Ly khi đó đã 70 tuổi, bị sung làm lính thú, đi đầy biệt xứ tới
Quảng Tây và mất trên đường đi. Những người khác chẳng biết số phận ra
sao. Thật may, trong chuyến đi sứ sang Trung Hoa, Lê Quý Đôn đã đọc
được nhiều thư tịch của Trung Quốc và ghi chép được nhiều sự kiện quý,
được kê biên trong tác phẩm Vân đài loại ngữ của ông. Qua đấy, người ta