Đôi dòng lịch sử chép lại của Trung Hoa cũng đủ cho chúng ta hiểu được
tài năng xuất chúng của Hồ Nguyên Trừng: một nhà kĩ thuật quân sự tài ba
của Việt Nam vào đầu thế kỉ thứ 15. Chỉ tiếc rằng tài năng ấy không được
dùng để phục vụ đất nước mình mà lại phải phục vụ đất nước đã đặt ách
thống trị lên dân tộc mình.
Bất đắc dĩ làm quan ở phương Bắc, Hồ Nguyên Trừng khôn nguôi nhớ về
cố quốc, nơi nước mất nhà tan. Ông dành nhiều thời gian để ghi lại những
hồi ức về lịch sử nước nhà trong bộ sách Nam Ông mộng lục, có nghĩa là
"Ghi lại những giấc mộng của ông già nước Nam". Trong lời tựa, ông viết:
"Nhân vật trong sách, xưa kia rất phong phú, chỉ vì đời thay việc đổi, dấu
tích hầu như không để lại, thành ra còn mỗi một mình tôi biết chuyện và kể
lại mà thôi, thế không phải mộng là gì? Các bậc đại nhân quân tử có thấu
cho chăng? Còn hai tiếng Nam Ông thì chính là tên chữ, của Trừng tôi vậy".
Sách gồm 31 thiên, nay chỉ còn 28 thiên, ghi chuyện những người tài,
những sự kiện lịch sử thời Lý Trần theo trí nhớ của Hồ Nguyên Trừng. Đó là
những nhân vật như Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Chu Văn An, Lê
Phụng Hiểu, Trần Nguyên Đán... Đây cũng là một nguồn sử liệu quý của
nước ta. Nam Ông mộng lục được khắc in tại Trung Quốc năm 1442. Hồ
Huỳnh - Thượng thư bộ Lại triều Minh nhận xét: "Văn họ Hồ ngắn gọn mà
nghiêm trang, cẩn mật, cao nhã mà uyên bác, theo tình kể lại, theo nghĩa đặt
lời... Ca ngợi sự tiết nghĩa thì bừng bừng cảm khái, có thể uốn nắn phong
tục, biểu dương trước thuật thì siêu thoát, thanh tân, có thể nuôi dưỡng tính
tình...".
Hồ Nguyên Trừng mất năm 72 tuổi, được an táng tại Nam An Hà, cách
Bắc Kinh 30 km.
TỘI ÁC TẦY TRỜI CỦA GIẶC MINH
Đầu thế kỉ 15, giặc Minh sang xâm lược, đã gây nên biết bao tội ác đối
với nhân dân ta. Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã vạch tội bọn
chúng: