nhưng qua các trích dẫn của Ngô Sĩ Liên trong bộ Toàn thư, người đời sau
cũng biết được phần nào dấu ấn của ông trong bộ quốc sử. Ví dụ như việc
Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, đặt tên nước là Đại Ngu, lại tự nhận là dòng
dõi xa của Ngu Thuấn ở Trung Quốc, ông có lời phê rất nặng: "Khổng Tử
nói: Không phải là ma của nhà mình mà cúng, thế là xiểm nịnh... Quý Ly lại
nhận là dòng dõi xa của Hồ Công Mãn tế Ngu Thuấn làm thủy tổ, thì cái tội
dối đời để chiếm ngôi, không gì to bằng!"
Nói đến công việc trước tác của Phan Phu Tiên còn phải kể đến việc biên
soạn cuốn Bản thảo thực vật toát yếu (Sách tóm lược về thực vật) bằng chữ
Nôm, trong có nhiều nội dung bàn về y học. Tiếc rằng sách này nay không
còn.
Sử sách không thấy chép năm mất của ông. Cũng như nhiều chi tiết trong
cuộc đời ông không được ghi lại, phần lớn trước tác của Phan Phu Tiên
không còn lại đến ngày nay. Nhưng qua hai việc làm có tính cách khởi đầu
về lịch sử và văn học, Phan Phu Tiên xứng đáng là một nhân sĩ cấp tiến ở
thời đại mình. Ông còn để lại tấm gương sáng nghìn thu về một nhà nho làm
việc suốt đời, đến ngoại bát tuần vẫn còn cống hiến cho vua, cho nước một
bộ sử được lưu danh muôn thuở. Ngô Sĩ Liên, người tiếp nối Phan Phu Tiên,
tôn ông là "bậc cố lão của thánh triều", quả là đúng lắm!
VIỆT ÂM THI TẬP
Với việc biên soạn Việt âm thi tập, Phan Phu Tiên trở thành người đầu
tiên làm hợp tuyển thơ, văn ở nước ta. Việc làm này của ông càng có ý
nghĩa, khi được tiến hành ngay sau khi nước ta thoát khỏi ách đô hộ của
quân Minh. Cuộc xâm lược của giặc Minh đã gây ra rất nhiều tội ác với
nước ta, trong đó tội hủy hoại văn hóa được coi là nghiêm trọng nhất. Chúng
đã phá hủy các đền miếu, đốt sạch các sách vở, thư tịch nhằm xóa sổ kí ức
văn hóa của người Việt. Vì vậy, việc khôi phục các giá trị văn hóa của đời
trước là vô cùng cấp thiết, và Phan Phu Tiên đã làm được việc ấy chỉ vài
năm sau khi đất nước được thái bình. Mặc dù ông rất khiêm tốn khi nói về