công việc của mình: "Lúc đi làm, thường tìm sâu, hỏi rộng, lúc về nhà vẫn
cầm bút, mài nghiên... làm cho những áng văn đã bao năm mai một, bỗng
chốc được tỏ rạng ra đời". Song ta có thể hình dung công việc biên soạn một
bộ tuyển thơ của nhiều đời phức tạp như thế nào, nhất là trong hoàn cảnh
nhiều văn bản chắc chắn đã bị đốt hoặc thất tán trong thời gian giặc Minh
chiếm đóng.
Và đồng thời, ta cũng có thể nghĩ mà không sợ sai rằng, chính trong
những năm còn trống vắng trong tiểu sử của Phan Phu Tiên, kể từ cuối đời
Trần đến đầu đời Lê, ông đã lo ẩn náu để lưu giữ các sách của người xưa,
ghi chép hoặc ghi nhớ đề phòng chúng bị thất truyền. Rồi đến khi có điều
kiện, ông đã tiến hành ngay công việc biên soạn thành bộ Việt âm thi tập để
lại cho đời.
TUYỂN THƠ VĂN XƯA VÀ NAY
Tiếp sau Phan Phu Tiên, nhiều người khác cũng làm các bộ thi tuyển, văn
tuyển. Có thể kể đến các tập Cổ kim thi gia tinh tuyển của Dương Đức Nhan
(thời Lê Thánh Tông), Trích diễm thi tập của Hoàng Đức Lương (cũng thời
Lê Thánh Tông), Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn (1726 - 1784), Hoàng
Việt thi văn tuyển của Bùi Huy Bích (1744 - 1818)... Nhờ đó mà nhiều áng
thơ văn cổ có giá trị của dân tộc đã được lưu lại. Bên cạnh đó, một số văn
bản đặc biệt còn được ghi lại trong các bộ chính sử của nước ta, như Thiên
đô chiếu (Chiếu dời đô) của Lý Công uẩn lần đầu tiên được Ngô Sĩ Liên
chép trong Đại Việt sử ký toàn thư (thế kỷ XV), sau đó được Bùi Huy Bích
tuyển trong sách Hoàng Việt thi văn tuyển, ở vị trí đầu tiên.
Thời hiện đại cũng có nhiều người làm tuyển thơ văn cổ hoặc hiện đại,
như bộ Thơ văn Lý Trần (hai tập, 1977; 1989) do Giáo sư Nguyễn Huệ Chi
chủ biên; bộ Tinh tuyển Văn học Việt Nam (2005) do Giáo sư Nguyễn Đăng
Mạnh chủ biên... Đặc biệt phải kể đến bộ Thi nhân Việt Nam (1942) của
Hoài Thanh là một công trình biên soạn có giá trị không chỉ ở việc tuyển