Bình Định Vương những dòng ghi chép, đánh giá thật xứng đáng. Sau khi
Lê Lợi lên ngôi, ông lại ghi nhận tiếp những thành quả mà vị Thái Tổ nhà
Lê đạt được trong buổi mới của tân triều: "Thái Tổ từ khi lên ngôi đến nay,
thi thố chính sự đều khả quan... quy mô sáng nghiệp có thể gọi là rộng
lớn...". Điều này mọi người đều biết và ai cũng có thể nói ra hoặc viết ra như
Ngô Sĩ Liên. Nhưng liệu có ai, như ông, sau đó lại có những dòng phê phán
thẳng thắn về chính vị vua ấy. Ngày nay, chúng ta đều biết về cuối đời, Lê
Lợi phạm phải nhiều sai lầm, trong đó có việc hãm hại công thần. Ngay đến
Nguyễn Trãi, tác giả Bình Ngô đại cáo, người từng đứng sau Lê Lợi trong
lời truyền "Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần" thời kháng chiến, cũng bị
thất sủng không lâu sau khi Lê Lợi lên ngôi. Tuy vậy, việc hãm hại công
thần đâu phải là chuyện lạ thời phong kiến, nếu có xảy ra cũng là chuyện dễ
hiểu, mà đã dễ hiểu thì cũng dễ... bỏ qua cho yên chuyện. Nhưng với Ngô Sĩ
Liên thì không thế. Ngòi bút sử quan của ông không cho phép bỏ qua mặt
trái của vấn đề. Ông viết tiếp: "Song phải cái là [Thái Tổ] đa nghi, hiếu sát,
đó là chỗ sở đoản".
Nên nhớ, Ngô Sĩ Liên được chính Lê Thánh Tông giao cho việc biên soạn
Đại Việt sử ký toàn thư, và ông đã thực hiện công việc này ngay khi nhà vua
còn sống. Lê Thánh Tông, như chúng ta biết, là cháu nội của Lê Thái Tổ,
song đâu phải vì thế mà "sử thần Ngô Sĩ Liên" bỏ qua "chỗ sở đoản" của
ông nội vua!
ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ
Nói đến Đại Việt sử ký toàn thư thường người ta nghĩ ngay đến Ngô Sĩ
Liên. Mặc dù phần đóng góp của họ Ngô là hết sức quan trọng, song thực ra,
bộ quốc sử đầu tiên của nước ta có được và còn lại được đến ngày nay là
công sức của rất nhiều người. Bắt đầu là Lê Văn Hưu với bộ Đại Việt sử ký
và tiếp đến Phan Phu Tiên với phần Tục biên. Ngô Sĩ Liên khi biên soạn Đại
Việt sử ký toàn thư(1479) đã gộp hai phần này lại, đồng thời viết thêm lịch
sử thời mở nước, từ họ Hồng Bàng đến An Dương Vương. Sau đó, ông lại