LÊ THÁNH TÔNG
(1442 - 1497)
Bậc minh quân kiến tạo nền thịnh trị
V
iệc ra đời và lên ngôi của Lê Thánh Tông cũng khác thường. Mẹ ông là bà
Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao vợ vua Lê Thái Tông, khi có thai bị hoàng hậu
Nguyễn Thị Anh mưu hại. Bà được Nguyễn Trãi và người thiếp là Nguyễn
Thị Lộ cứu, đưa ra ngoài lánh nạn tại chùa Huy Văn. Tại đấy, ngày 20 tháng
Bảy năm Nhâm Tuất (1442) bà Ngọc Dao đã sinh ra Lê Tư Thành. Triều
đình có loạn, hoàng tử Nghi Dân giết vua, cướp ngôi của Lê Nhân Tông,
nhưng không được bao lâu đã bị các đại thần giết chết. Lê Tư Thành năm ấy
vừa 18 tuổi, được lên nối ngôi, lấy đế hiệu là Lê Thánh Tông.
Lê Thánh Tông thông minh, đĩnh ngộ, thuở nhỏ sống trong chùa gần dân
dã, sau được học hành ở Quốc tử giám. Ông là người cần cù, chăm chỉ, ham
học hỏi. Thói quen đọc sách theo ông suốt đời ngay cả khi đã ngồi trên ngai
vàng, như ông đã tự viết:
Trống dời canh còn đọc sách
Chiêng xế bóng chửa thôi chầu.
Lê Thánh Tông trở thành một vị minh quân, tạo dựng nên một thời đại
rực rỡ nhất trong lịch sử các triều đại nước ta.
Ông tiến hành cải cách triệt để hệ thống hành chính, chia nước ta ra thành
15 đạo (gọi là thừa tuyên), bên dưới là phủ, huyện, châu, tổng, xã. Ở trung
ương thành lập sáu bộ (trước đó chỉ có ba) với hệ thống quan lại quản lí chặt
chẽ từ trên xuống dưới. Ông đã cho tiến hành đo đạc và vẽ bản đồ đất nước,
thường được gọi là bản đồ Hồng Đức có độ chính xác cao so với đương thời.
Đến thế kỉ 17, khi vẽ bản đồ nước ta, A. de Rhode vẫn còn dựa rất nhiều vào
bản đồ này.