HIỀN TÀI LÀ NGUYÊN KHÍ QUỐC GIA TẬP 1 - Trang 9

Mồ côi cha từ khi còn trong bụng mẹ, Lê Văn Hưu được bà mẹ họ Đỗ ở

vậy tảo tần nuôi nấng. Ông ngoại Đỗ Tất Bình dạy cháu biết chữ từ khi cháu
còn nhỏ. Đầu làng Thần Hậu có xây một ngôi nhà làm quán học cho những
người biết chữ đến bình văn, giảng thơ. Cậu bé Hưu mới lên bốn, lên năm đã
lảng vảng đến quán nghe hóng. Có lần, thấy mấy anh học trò lớn bí chữ, cứ
ấp a ấp úng như gà mắc tóc trước đề ra của thầy đồ, Hưu đã mách chữ cho
khiến ai nấy đều kinh ngạc. Lê Văn Hưu nổi tiếng thần đồng từ đó.

Ngày xưa, người hay chữ thường thể hiện bằng cách làm câu đối. Người

ta kể rằng, khi lên mười, mười một tuổi Lê Văn Hưu đi học với thầy đồ họ
Nguyễn ở Kẻ Bôn. Trên đường đi học cậu hay ghé vào thăm quán lò rèn bên
đường. Một lần, trò Hưu thấy bác thợ rèn treo một xâu dùi trên vách, cậu
ngắm nghía ra chiều thích lắm, ước gì có một chiếc để đem về dùi vở. Bác
thợ rèn cũng là người hay chữ bèn bảo:

- Tôi sẽ ra cho cậu một vế đối, nếu cậu đối được tôi sẽ tặng ngay chiếc

dùi. Vế đối như thế này:

Than trong lò, lửa trong lò, sắt trong lò,

thổi phì phò đúc nên dùi vở.

Không cần suy nghĩ lâu, Lê Văn Hưu đáp:

Giấy trong túi, bút trong túi, mực trong túi,

viết lúi húi mà đậu khôi nguyên.

Bà mẹ thấy con chăm chỉ học hành thương lắm. Bà đến nhờ bác thợ rèn

đúc cho một chiếc đèn đồng hình con rồng. Bà đưa hai viên ngọc gia bảo cất
giữ từ đời cụ tổ, nhờ bác thợ khảm vào hai mắt rồng. Mỗi khi thắp đèn, đôi
mắt rồng chiếu ánh sáng lấp lánh. Mẹ cậu thường dặn: "Con là chắt đời thứ
bảy của dòng họ, phải làm sao cho xứng với tổ tiên và tiếp nối chí hướng
giúp dân giúp nước của cụ tổ." Nhớ lời mẹ dặn, nghĩ đến oai linh cụ tổ Lê
Lương anh hùng, đêm đêm Lê Văn Hưu chong đèn đọc sách. Chiếc đèn trở
thành vật gắn liền với ông trên con đường học hành và lập nghiệp.

***

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.