HIỂU NGHÈO THOÁT NGHÈO - Trang 16

Kinh tế học phải đi một đoạn đường dài để có thể hiểu được những điểm còn
thiếu sót trong những phương pháp trước đây, để có thể hiểu được bước
nhảy vọt trong những kết quả thí nghiệm chính sách. Hai GS. Banerjee và
Duflo là những nhà tiên phong trong việc mở rộng khoa học kinh tế trong
lĩnh vực này; một đóng góp được đánh giá ở đẳng cấp sớm muộn sẽ đoạt
giải Nobel. GS. Duflo là phụ nữ nước ngoài đầu tiên được trao Huy chương
John Bates Clark (dành cho nhà kinh tế học dưới 40 tuổi xuất sắc nhất ở Mỹ,
thường “đi trước” giải Nobel trong rất nhiều trường hợp).

Dù là những nhà tiên phong trong ngành, là những giáo sư hàng đầu ở khoa
kinh tế học có truyền thống nhất thế giới (trong suốt nửa sau thế kỷ 20, MIT
là cái nôi lớn nhất của khoa học kinh tế hiện đại), nhưng hai GS. Banerjee và
Duflo lại có phong thái đặc biệt khiêm tốn và cầu thị. Cuốn sách nhấn mạnh
vào bằng chứng khoa học, nhưng lại rất khiêm tốn về những đóng góp to lớn
của chính các tác giả cho khoa học kinh tế. Rất nhiều nhà kinh tế hàng đầu
về kinh tế phát triển hiện nay, có nghiên cứu được trích dẫn trong cuốn sách,
từng học lớp kinh tế phát triển dành cho nghiên cứu sinh kết hợp giữa MIT
và Harvard, mà hai GS. Banerjee và Duflo giảng dạy (cùng với các GS.
Michael Kremer và Sendhil Mullainathan ở Harvard). Tôi cũng đã có may
mắn được học lớp này, và mặc dù sau này mảng nghiên cứu của tôi không
gắn sát với các GS., tôi vẫn giữ nhiều ký ức đặc biệt ấn tượng từ họ, nhất là
cảm hứng làm sao để hiểu thực sự rõ ràng nguồn gốc của nghèo đói, để từ
đó đề xuất được chính sách thực sự tốt. Không cần kể đến những thành tựu
khoa học, mà chỉ riêng sự tận tụy làm việc hết lòng để xóa nghèo cũng đủ
làm hàng thế hệ các nhà kinh tế học ở khắp nơi trên thế giới nể phục.

Có thể nhiều độc giả ở Việt Nam nhận định cội nguồn của sự nghèo đói là
các vướng mắc về thể chế và quản trị. Hai GS. Banerjee và Duflo không
nhấn mạnh nhiều về các nguyên nhân thuộc hệ thống kinh tế chính trị của
mỗi tỉnh, mỗi quốc gia. Điều đó không có nghĩa là họ coi nhẹ việc cải cách
thể chế. Khác biệt giữa họ và các nhà kinh tế thể chế là ở chỗ, đối với các
GS. Banerjee và Duflo, kể cả khi thể chế chưa được tốt, vẫn có thể dùng
được rất nhiều chính sách giảm nghèo tốt để giúp người nghèo ngay lập tức.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.