nhiệm của mình vì họ có quan tâm và vì việc làm đó sẽ củng cố chiếc ghế họ
đang ngồi. Những người này sẵn sàng làm chuyện này chuyện kia để đề
xướng thay đổi, miễn là những thay đổi đó không hoàn toàn trái với lợi ích
kinh tế của họ. Một khi chính phủ chứng minh mình đang cung ứng nhiều
giá trị xã hội hơn và thu được lòng dân, sẽ có nhiều cơ hội mới mở ra. Chính
phủ nay có thể không phải lo nghĩ quá nhiều vấn đề ngắn hạn, không cần
phải giành ủng hộ của cử tri bằng mọi giá, không cần phải mị dân bằng
những tặng phẩm cho không. Đây chính là cơ hội để chính phủ thiết kế
chính sách phù hợp hơn với tầm nhìn xa hơn. Như đã thấy ở Chương 4,
thành công của chương trình PROGRESA đã khuyến khích Vicente Fox,
tổng thống kế nhiệm sau khi đảng PRI mất quyền lực ở Mexico, tiếp tục
phát triển thay vì hủy bỏ chương trình này. Hơn thế, nhiều chương trình
tương tự đã lan rộng khắp châu Mỹ La tinh và các quốc gia khác trên thế
giới. Những chương trình này ban đầu có thể không thu hút người dân bằng
những tặng phẩm cho không, vì gia đình phải làm điều gì đó mới nhận được
tiền. Tuy nhiên người ta tin (dù có thể chưa đúng) rằng có điều kiện ràng
buộc là một phần không thể thiếu để “phá vỡ vòng luẩn quẩn đói nghèo”.
Kết quả khích lệ thu được là các đảng, cánh tả lẫn cánh hữu, bắt đầu cảm
thấy nên coi quan điểm dài hạn là hạt nhân của chương trình hành động.
Nhiều nhà hoạch định chính sách và học giả phương Tây vẫn rất bi quan về
thể chế chính trị ở các quốc gia đang phát triển. Tùy thuộc vào khuynh
hướng chính trị, họ đổ lỗi hoặc cho thể chế điền địa lạc hậu, hoặc cho tội lỗi
bắt nguồn từ phương Tây - chính sách thực dân và các thể chế chính trị bóc
lột - hay đơn giản là văn hóa quốc gia vốn như thế. Dù lý do là gì đi nữa,
quan điểm này khẳng định thể chế chính trị bất cập là nguyên nhân khiến
các nước nghèo cứ nghèo mãi và khó thoát khỏi tình trạng nghèo đói. Một
số người cảm thấy đây là lý do từ bỏ hy vọng; có người lại mong muốn áp
đặt thay đổi thể chế từ bên ngoài.
Easterly và Sachs đều không thể im lặng trước những lập luận trên đây, dù
lý do phản đối khác nhau. Easterly thấy các “chuyên gia” phương Tây không
có lý do gì để phán xét liệu thể chế chính trị tại một nơi khác là xấu hay tốt