Thoạt nhìn, các cảm tử quân sau khi hoàn thành sứ mạng, chỉ có hai cách:
hoặc là họ đầu hàng quân địch và chờ chiến tranh chấm dứt trong một trại
tù binh, hoặc là tìm cách trở về phòng tuyến bạn, điều này có nghĩa là phải
vượt hàng trăm cây số - ý định táo bạo quá nếu không nói là tuyệt vọng
quá. Thế mà tôi vẫn tin rằng muốn cho họ hăng hái hơn, chiến đấu say sưa
hơn, phải đảm bảo một sự may mắn được trở về. Làm sao cho họ sự may
mắn đó? Lẽ tự nhiên ý tưởng của tôi là sẽ dùng phi cơ kéo các chiếc máy
lượn mang theo quân cảm tử trở về.
Các kỹ sư hàng không bèn tìm cách giải quyết khó khăn này. Tại phi trường
Ainring, họ đang thử nhiều cách giúp một phi cơ kéo một chiếc máy lượn
chở nặng mà không cần đáp xuống đất. Sau nhiều lần thí nghiệm có cả tôi
chứng kiến, chúng tôi thấy chỉ có một cách xếp đặt có thể áp dụng được:
dây cáp của máy lượn sẽ trải dưới đất nhờ các cột sắp xếp theo hình bình
hành, ở một đầu, dây sẽ treo trên một cột cao chừng ba thước. Một chiếc
móc đặc biệt, do phi cơ bay là là và thả xuống, sẽ móc vào điểm này và kéo
chiếc máy lượn lên cao.
Lần thí nghiệm đầu tiên, với loại máy lượn nhẹ, có kết quả khích lệ. Nhưng
để áp dụng kỹ thuật đó với loại máy lượn to lớn nặng nề hơn, chúng tôi cần
điều chỉnh lại. Nghĩa là cần thì giờ và xăng nhớt thêm, mà cả hai thứ, chúng
tôi đều hoàn toàn thiếu hụt. Tình trạng này càng ngày càng nghiêm trọng
đưa đến đổ vỡ hoàn toàn.
Tôi thường tự hỏi tại sao tại Đức, các cuộc thí nghiệm kiểu này chỉ được
thực hiện vào phút chót, vào lúc nguy kịch nhất, khiến cho chúng tôi không
còn đủ thì giờ hoàn thiện các sáng kiến và phương pháp mới được nữa.
Hiện tại tôi vẫn chưa tìm được câu trả lời thoả đáng cho cái “quá chậm” tai
hại mà tôi thường phải đương đầu trong những năm cuối cùng của cuộc
chiến.
Bên cạnh đó, phe Đồng minh cũng thực hiện các cuộc thí nghiệm tương tự,
tuy nhiên điểm khác biệt là luôn luôn họ đạt tới các kết quả thực dụng. Họ
lại còn chứng tỏ hiệu năng của các phương pháp áp dụng trong vụ đưa
nguyên cả một phi đoàn máy lượn hạ cánh sau phòng tuyến của chúng tôi
tại Arnhem ngày 17 tháng 9 năm 1944 (1). Từ cuộc hành quân vĩ đại đó, tôi