tiến quân sâu vào miền Caucase, cũng đã không đưa được ông ra khỏi cơn
mơ ảm đạm vì ông đã không thể dự vào các chiến công này.
Nhưng đến tháng Giêng năm 1943, Hội nghị Casablanca đã bùng nổ như
sấm động trong một bầu không khí nặng trĩu những đe doạ. Quyết định của
Anh quốc nhằm theo đuổi cuộc chiến cho đến khi đối phương đầu hàng
không điều kiện, đã làm thay đổi sâu xa trạng thái tinh thần của Skorzeny
cũng như của toàn thể Đức quốc. Trong khi tại Pháp, một số người đã đón
nhận quyết định này với sự hài lòng rất thuần khiết, một số người lại tỏ vẻ
rất dửng dưng nghi ngờ - những người lo sợ một nền hoà bình què quặt –
Tại Đức quyết định đó đã tạo ra một phản ứng mà các nhà lãnh đạo Đồng
minh chắc chắn không lường trước được: sự kết hợp chặt chẽ tức thời ý chí
chiến đấu, một thứ phẫn nộ trong tuyệt vọng. Hệ thống tuyên truyền của
Goebbels đã khơi động tận cội rễ nơi mỗi công dân Đức, trạng thái thịnh
nộ này. Đây là kỹ thuật được vận dụng lần đầu tiên trong cuộc nội chiến
Hoa Kỳ bởi một tướng lãnh Bắc quân khi ông giải thích: nếu một con quạ
có tư tưởng kỳ cục là dạo quanh vùng chiến bại một vòng, nó phải mang
theo thức ăn.
Đối với Skorzeny cũng như với mọi “công dân Đức tốt”, từ đó, chỉ có một
lối thoát: hoặc là chiến thắng, hoặc sự huỷ diệt Đức quốc hoàn toàn không
cứu chữa được. Từ lúc đó, dân Đức cho rằng tất cả mọi toan tính tiến tới
một thoả hiệp với Đồng minh đều có ý nghĩa như là sự từ chối sống còn, là
tự vẫn. Đối với họ, ngọn lao đã phóng đi: họ phải chiến thắng hoặc chết.
Trạng thái tinh thần đó đã giải thích được phần nào “hiện tượng”
Skorzeny. Vả chăng, đây là lúc khởi đầu một nghề nghiệp thực sự của một
nhân vật mà báo giới Hoa Kỳ từng mệnh danh là: “NGƯỜI NGUY HIỂM
NHẤT ÂU CHÂU”.