Trung Quốc có một câu nói rằng "không kêu thì thôi,
đã kêu là khiến người khác kinh động". Đối với một người
cao sâu khó lường như Hồ Cẩm Đào, quyết không thể chỉ
dựa vào tuổi tác và sự từng trải để đưa ra phán đoán chủ
quan. Năm xưa, Đặng Tiểu Bình ở tuổi 73 sau khi tái xuất
trên vũ đài chính trị, sóng gió gây chấn động thế giới mà
ông ta đem lại thì có ai có thể phán đoán được chuẩn xác dựa
vào tuổi tác và sự từng trải của ông ta?
Một số nhà quan sát phương Tây cho rằng, Trung Quốc
muốn thực hiện cải cách tự do hoá chính trị, chỉ khi nhà
lãnh đạo thế hệ thứ năm lên nắm quyền mới có thể xảy ra
được. Cái gọi là thế hệ thứ năm, tức thế hệ thời cải cách
trưởng thành kể từ những năm 1978 trở lại đây, những người
này sau khi đã mở cánh cửa Trung Quốc rồi, một số sang
phương Tây học, một số tiếp nhận nhiều văn hoá phương
Tây ở ngay trên lãnh thổ Trung Quốc. Những người trẻ tuổi
tràn đầy chí khí này khát khao hiện đại hoá tư tưởng, chính
quyền kiểu cũ kinh tế kế hoạch và chủ nghĩa xã hội để lại
gánh nặng lịch sử cho những người này tương đối nhỏ, vì vậy
họ có thể tương đối dễ dàng đột phá những xiềng xích của
hình thái ý thức.
Cố vấn chính phủ Xinh-ga-po Lý Quang Diệu cũng về
cơ bản có quan điểm như vậy, ông ta nói với người Mỹ: "Tại
sao phải vội vã với việc thay đổi Trung Quốc như vậy? Bất
luận Trung Quốc muốn hay không muốn, thay đổi là
điều khó tránh khỏi." Lý Quang Diệu chỉ ra, tầng lớp lãnh
đạo thế hệ thứ năm sau Hồ Cẩm Đào về cơ bản là do những
người ở độ tuổi ba mươi, bốn mươi từng du học ở Âu Mỹ về
cấu thành nên, duy chỉ có khi họ lên nắm lấy đất nước,
thì Trung Quốc mới thay đổi một cách triệt để.