trở và là sự suy đồi của xã hội khiến cho việc làm cách mạng trở nên cần
thiết. Người cách mạng trước hết phải lạc quan và tin tưởng vào thắng lợi
cuối cùng”.
Sau khi kết thúc chương trình đào tạo từ ba đến bốn tháng, các học viên
thường đi cùng Nguyễn Ái Quốc trong một chuyến thăm có tính nghi thức
tới mộ của bảy mươi hai liệt sĩ cách mạng Trung Hoa ở gò Hoàng Hoa,
ngoại ô Quảng Châu và mộ liệt sĩ yêu nước Phạm Hồng Thái, họ đọc lại
những lời thề có tính nghi lễ là phụng sự cho sự nghiệp cách mạng. Sau đó,
hầu hết trong số họ trở về Việt Nam. Một số học viên tài năng hơn như Lê
Hồng Phong, hội viên Tâm Tâm Xã được gửi đi Moscow để đào tạo thêm.
Một số khác làm việc cho cảnh sát Trung Hoa hoặc các lực lượng vũ trang
hoặc được đưa vào làm cho Học viện Quân sự Hoàng Phố nổi tiếng do
Quốc Dân Đảng điều hành với sự giúp đỡ của Quốc tế Cộng sản. Nguyễn
Lương Bằng, một thành viên xuất thân từ gia đình tá điền, được chỉ thị tìm
việc làm tại một hãng tàu biển chạy hơi nước để thiết lập mạng lưới liên lạc
giữa Hồng Công và cảng Hải Phòng. Đến mùa xuân năm 1927, hơn bảy
mươi học viên đã theo học tại trường.
Khi trở về Việt Nam, học viên tốt nghiệp từ học viện tìm cách quảng bá
học thuyết cách mạng cho bạn bè, người quen và tuyển những người mới
gửi đi Quảng Châu. Hầu hết các học viên tốt nghiệp đều xuất thân từ tầng
lớp gia đình trí thức, cũng như những người đầu tiên mà họ tuyển thuộc
thành phần tương tự. Các nguồn tin tình báo Pháp ước tính khoảng 90 phần
trăm số học viên thuộc tầng lớp trí thức tiểu tư sản, số còn lại là công nhân
hoặc nông dân. Họ từ khắp mọi miền của đất nước, nhưng đa số cùng quê
Nghệ An của Nguyễn Ái Quốc và các nơi khác thuộc miền Trung. Đến năm
1928, Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng có khoảng 300 hội viên ở
Đông Dương, 150 người từ Nam Bộ, (chủ yếu là Sài Gòn và các thị xã của
các tỉnh Mỹ Tho, Cần Thơ), 80 người ở Trung Kỳ, (đặc biệt là Nghệ An,
Hà Tĩnh và Quảng Ngãi) và 70 ở Bắc Kỳ, (Bắc Ninh, Nam Định, Thái
Bình, Hà Nội, Hải Phòng). Một năm sau, số đảng viên đã tăng lên hơn
1.700 người.