Nếu không chú ý đến việc hình thành một Đảng cộng sản thống nhất
ngay lập tức, tôi e rằng chúng tôi sẽ biến thành hai Đảng riêng rẽ, đảng ở
Bắc Kỳ và đảng ở Nam Kỳ. Cùng một lúc có hai đảng trong một nước, điều
này sẽ khó đạt được sự thống nhất. Giờ đây chúng tôi phải trông cậy vào
Quốc tế Cộng sản để giải quyết vấn đề trên như thế nào? Giá như chúng
tôi tự giải quyết việc đó thì tốt biết mấy?
Những đảng viên cấp tiến Đảng Tân Việt ở Trung Kỳ lúc này lại tăng
thêm rắc rối bằng một hành động kỳ quặc. Trong một cố gắng tuyệt vọng
để bảo vệ chính những người ủng hộ họ, nhiều người đã chạy sang phía đối
thủ, họ đã đổi tên tổ chức của mình thành Đông Dương Cộng sản Liên
đoàn. Như thế, cùng lúc ba đảng cộng sản ganh đua nhau ở Đông Dương
thuộc Pháp cộng thêm Hội, dù gần như tan rã. Lê Hồng Sơn, vẫn còn ở
Hong Kong, nghe tin Nguyễn Ái Quốc đang ở Phichit, Xiêm La. Là người
sáng lập Hội và là người lãnh đạo có uy tín nhất, Quốc có thể dùng tài
thương lượng xuất chúng giải quyết vấn đề này. Không thông báo cho Lâm
Đức Thụ, Sơn cử Lê Duy Diễm - cộng sự của ông - tới Xiêm tìm Nguyễn
Ái Quốc và đề nghị Quốc trở về Hong Kong để tháo gỡ mối bòng bong.
Diễm lên đường vào cuối tháng 8-1929.
Phản ứng của Moscow trước những sự kiện rối ren xảy ra ở Việt Nam có
thể đoán trước được. Ngày 27-10, Moscow gửi một chỉ thị tới giới lãnh đạo
An Nam Cộng sản Đảng, nghiêm khắc phê phán việc họ không ngăn cản sự
tan rã của những lực lượng cách mạng Việt Nam chia thành ba phái đối lập.
Sự yếu kém của một đảng thống nhất tại thời điểm nhiều hứa hẹn này, bản
chỉ thị viết, là một nguy hiểm nghiêm trọng đến sự phát triển của chủ nghĩa
cộng sản và là “hoàn toàn sai lầm”. Bản chỉ thị của Quốc tế Cộng sản công
khai ủng hộ phe Trần Văn Cung ở Hà Nội, khẳng định những điều kiện
khách quan cho một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đang có mặt ở Việt
Nam và “sự vắng mặt của một đảng cộng sản giữa thời điểm phát triển của
phong trào công nhân và nhân dân đang trở nên hết sức nguy hiểm cho
tương lai trước mắt của cách mạng ở Đông Dương”. Hội bị chỉ trích vì
“tính do dự và sự thờ ơ” và vì không cố gắng lôi kéo công nhân Việt Nam.