Đảng lại thu được kết quả tương đối nhiều trong nông thôn, đáng chú ý
nhất ở đồng bằng sông Cửu Long. Tại đây dân chúng rất căm uất những đòi
hỏi vô lý của bọn địa chủ tham lam và những quan chức tham nhũng. Còn
tại Sài Gòn một nhóm nhỏ trí thức cộng sản tận dụng cơ hội Pháp nới lỏng
hoạt động chính trị ở thuộc địa. Tờ Tranh Đấu (La Lutte), báo của Đảng ra
đời với sự giúp đỡ của những người Việt Nam từng du học ở Paris, theo
đường lối Lev Trotsky. Giới lãnh đạo đảng tại Sài Gòn thậm chí còn thành
công trong việc đưa ứng cử viên tranh cử vào những chức vụ của hội đồng
thành phố. Giữa năm 1933, Xứ uỷ mới Nam Kỳ được hình thành gồm
những tiểu ban Miền Đông và Miền Tây, xây dựng một trường nhỏ để huấn
luyện cán bộ. Trần Văn Giàu, hăng hái điều khiển lực lượng đằng sau
những hoạt động đó, bị Pháp bắt vào tháng Mười, nhưng được thả ngay do
không đủ bằng chứng.
Những báo cáo gửi Bộ Thuộc địa ở Paris bày tỏ sự thất vọng của cơ quan
an ninh địa phương bất lực ngăn chặn những hoạt động của Đảng cộng sản
Đông Dương. Một báo cáo viết: “Mật thám coi như vô tác dụng trước sự
hình thành và phát triển nhiều sự kiện đầy nguy hiểm. Họ duy nhất chỉ có
thể đưa ra cảnh báo, không dám ra tay đàn áp trừ khi có lệnh của nhà cầm
quyền”. Nhưng dù sao mật thám đã đạt được một thành công. Do cuộc nổi
dậy Nghệ - Tĩnh bị đàn áp, Lê Hồng Sơn - một sát thủ khét tiếng của Đảng,
thành viên sáng lập Tâm Tâm Xã - đã phải chạy trốn từ nước này sang
nước khác để tránh bị Pháp bắt. Bị trục xuất khỏi Burma vào tháng 7-1931,
Lê Hồng Sơn tới Xiêm, sau đó tới Thượng Hải bắt liên lạc với Đảng cộng
sản Trung Quốc. Nhưng Lê Hồng Sơn bị cảnh sát Pháp ở tô giới bắt. Sau
khi bị tra tấn dã man, ông được trao cho Triều đình Việt Nam ở Huế, tháng
2-1933 bị tử hình tại Vinh.
Những thành tích nho nhỏ của Trần Văn Giàu tương phản với hoàn cảnh
những nơi khác tại Đông Dương. Tại cả Trung Kỳ lẫn Bắc Kỳ, cán bộ đảng
hoạt động khó khăn do cảnh sát theo dõi gắt gao và dân chúng thờ ơ. Ở
Trung Kỳ, một số ít đảng viên từ Xiêm trở về đã cố gắng phục hồi những
cơ sở tổ chức Đảng bị tan rã. Một số đảng viên mới là những cựu đảng viên