Nguyễn Ái Quốc đưa ra ba tên để lựa chọn cho tổ chức mới, Việt Nam Giải
Phóng Đồng Minh, Việt Nam Phản đế Đồng Minh, hoặc Việt Nam Độc Lập
Đồng Minh, nhưng ông tỏ ra ưa thích tên Việt Nam Độc lập Đồng Minh.
Mấy năm trước, một tổ chức cũng mang tên đó do Hồ Học Lãm sáng lập,
đóng góp một thời gian ngắn như một cỗ xe cho sự hợp tác giữa những
người Việt Nam dân tộc chủ nghĩa và cộng sản đang sống ở khu vực thành
phố Nam Kinh. Giờ đây hy vọng nó có thể phụng sự một mục đích tương
tự trong việc hồi sinh này.
Sau khi thảo luận, mọi người đồng ý chấp nhận đề xuất của Nguyễn Ái
Quốc tên nhóm mới, gọi tắt Mặt trận Việt Minh. Để thu hút những người ôn
hoà, Hồ Học Lãm, đang sống ở Quế Lâm, được mời làm Chủ tịch tổ chức,
đồng thời Phạm Văn Đồng (tên giả Lâm Bá Kiệt) làm phó chủ tịch. Che
đậy dưới vỏ bọc mới, nhóm này gặp tướng Lý Tế Thâm một lần nữa để tìm
kiếm sự ủng hộ trong việc huy động Việt kiều ở nam Trung Hoa cho những
hoạt động quân sự sắp tới ở Đông Dương. Dù một số thuộc cấp của ông
nghi ngờ mục đích chính trị của tổ chức, song Lý Tế Thâm chấp thuận, mặt
trận mới được chính thức công nhận. Tuy vậy Lý Tế Thâm cũng cảnh cáo
những vị khách, không cho phép những người cộng sản chiếm vai trò chủ
đạo trong tổ chức này.
Trong lúc Nguyễn Ái Quốc và các đồng sự ở Quế Lâm cố gắng hết sức
để người cầm đầu quân đội Quốc Dân Đảng Trung Hoa ủng hộ những hoạt
động sắp tới ở Đông Dương, kẻ thù của họ Trương Bội Công, cũng tích cực
lôi kéo quần chúng dọc biên giới. Sau khi biết tin bốn mươi chiến sĩ kháng
chiến Việt Nam đã vượt biên giới vào tỉnh Quảng Tây để thoát khỏi bị Pháp
bắt, Công rời Liễu Châu đến Tĩnh Tây, một thị trấn nhỏ cách Cao Bằng ba
mươi dặm về phía bắc theo đường núi, với toan tính lôi kéo họ.
Lúc này Ban Chấp hành Trung ương, trụ sở đặt tại Sài Gòn, hầu như đã
hoàn toàn rồi loạn. Tất cả uỷ viên Ban Chấp Hành đã vào tù, trừ Phan Đăng
Lưu, đồng thời mối liên kết giữa Xứ uỷ Trung Kỳ và Bắc Kỳ đã bị phá vỡ.
Thiếu liên lạc với những khu vực khác và với ban lãnh đạo hải ngoại ở
nam Trung Hoa, Xứ uỷ Nam Kỳ phải hoạt động độc lập theo cách riêng.