hoàn toàn bị tiêu diệt. Những người chiến thắng không những tự hào về
thắng lợi mà còn thu được một số vũ khí, trong khi 70 lính địch thương
vong. Tin tức chiến thắng lan nhanh khắp Việt Bắc như đám cháy rừng.
Trở lại Pác Bó, Hồ Chí Minh tiếp tục thúc đẩy phong trào theo cách
riêng. Tháng Mười, ông viết “Thư gửi đồng bào toàn quốc”, trong đó phân
tích tình hình hiện tại và nói “cơ hội giải phóng nhân dân đang đến gần,
chỉ trong vòng một năm hoặc một năm rưỡi. Thời cơ đang thuận lợi. Chúng
ta cần phải nhanh chóng hành động!”
Ngày 11-11-1944, một máy bay trinh sát Mỹ do trung uý Rudolph Shaw
lái, bất ngờ trục trặc động cơ khi bay trên vùng núi dọc biên giới Trung -
Việt. Shaw nhảy dù an toàn, chính quyền Pháp đóng gần đó theo dõi tai nạn
này, điều động lính tuần tra tìm kiếm Shaw. Tuy nhiên, những đội viên một
đơn vị Việt Minh tìm được Shaw, quyết định giải Shaw tới chỗ Hồ Chí
Minh. Lực lượng Việt Minh dẫn viên phi công Mỹ vượt núi rừng tới Pác
Bó, ban đêm đi, ban ngày nghỉ trong hang để tránh địch. Cuối cùng phải
mất một tháng mới tới, với khoảng cách chỉ khoảng 75 cây số.
Trong toán hộ tống Shaw, không có ai biết tiếng Anh để nói chuyện với
Shaw - theo lời kể của Shaw, ông nói “Việt Minh! Việt Minh!” Người Việt
Nam đáp “America! Roosevelt!” Nhưng khi ông tới Pác Bó, Hồ Chí Minh
đón tiếp nồng nàn bằng tiếng Anh: “Ngài có khoẻ không, ngài phi công!
Ngài là người nước nào?” Theo lời kể, Shaw bị xúc động đến mức ôm chặt
Hồ và nói “Khi tôi nghe tiếng nói của ông, tôi cảm thấy dường như tôi
đang nghe tiếng nói của cha tôi ở Mỹ”.
Đối với Hồ Chí Minh, việc viên phi công Mỹ bị bắn rơi là ngẫu nhiên.
Ngay từ khi Mỹ bước vào chiến tranh tháng 12-1941, ông đã thấy sự ủng
hộ của Mỹ cho phong trào như là một con bài có thể sử dụng trong cuộc
đấu tranh chống lại đội quân chiếm đóng Nhật Bản và thực dân Pháp. Sau
khi được thả khỏi nhà tù ở Liễu Châu mùa thu năm 1943, ông dùng nhiều
thời gian đọc sách tại thư viện Văn phòng thông tin chiến tranh (OWI), ý
thức được những tin tức Tổng thống Roosevelt không dính đến chủ nghĩa
thực dân châu Âu và đang tìm cách trả lại những thuộc địa Đông Nam Á