Không rõ người Mỹ có đề xuất việc này không, và nếu có, liệu có tác
động đến quyết định của Trương Phát Khuê thả tự do trong giới hạn cho Hồ
Chí Minh, vẫn còn chưa có câu trả lời. Dù sao đi nữa, việc này chưa dẫn
đến bất cứ sự thu xếp tức khắc để Hồ cộng tác với những quan chức Mỹ ở
Hoa Nam. Tháng 11-1943, chi nhánh Việt Nam của Hội phản đế quốc tế, từ
Tĩnh Tây, viết thư đề nghị Đại sứ quán Mỹ ở Trùng Khánh giúp đỡ trả hoàn
toàn tự do cho “Hu Chih-ming” để tham gia hoạt động chống Nhật và, nếu
cần thiết, giúp ông trở về Việt Nam.
Philip D. Sprouse, cán bộ Đại sứ quán ghi nhận tên này là “một người bị
bắt” năm trước. Nhưng Sprouse hình như đã bị thuyết phục bởi những đại
diện “Nước Pháp Tự do” ở Trùng Khánh rằng cái gọi là “chính phủ lâm
thời Đông Dương” thành lập ở Liễu Châu chỉ đơn giản là một mánh khoé
của chính phủ Trung Hoa để thúc đẩy lợi ích của chính họ trong vùng này.
Đại sứ Gauss chuyển lời yêu cầu tới Washington, bằng một bức thư chỉ rõ,
do Pháp phủ nhận sự tồn tại một tổ chức như thế, nên ông “không trả lời”
bức thư đó. Báo cáo của đại sứ Gauss được cất vào kho lưu trữ và bị lãng
quên ở Washington.
Mùa xuân năm 1944, miếng mồi giúp đỡ của Mỹ đã khêu gợi sự quan
tâm của những đại diện Việt Minh đang sống ở nam Trung Hoa. Tháng 4-
1944, đại diện Việt Minh ở Côn Minh gặp quan chức Pháp tại lãnh sự quán
“Nước Pháp Tự do” để thu xếp một cuộc gặp nhằm thảo luận chính sách
hậu chiến của Pháp ở Đông Dương, nhưng sau những tiếp xúc ban đầu, họ
đã thất bại. Bị Pháp cự tuyệt, họ quay sang phía Mỹ, gặp những quan chức
địa phương của Cơ quan Tình báo Chiến lược Mỹ và Văn phòng thông tin
chiến tranh, tìm sự giúp đỡ bằng cách viết một bức thư gửi đại sứ Mỹ
Gauss ở Trùng Khánh. Bức thư khẩn khoản yêu cầu Mỹ viện trợ cho cuộc
chiến đấu của nhân dân Việt Nam giành độc lập đồng thời đề nghị sát cánh
với Đồng minh chiến đấu chống lại quân đội chiếm đóng Nhật ở Đông
Dương. Ngày 18-8, sĩ quan Cơ quan Tình báo Chiến lược Mỹ gửi bức thư
này tới tướng William Langdon, lãnh sự Mỹ tại Côn Minh, kèm lời bình, sẽ
có “rắc rối đáng kể ở Đông Dương sau chiến tranh nếu không có một