chính phủ Thủ tướng Georges Bidault, thủ lĩnh Phong trào Nhân dân Cộng
hoà thuộc phái bảo thủ (MRP) lên nắm quyền. Bidault cử Jean Sainteny
bay tới Biarritz ở cùng Hồ đợi khi thành lập xong tân chính phủ ở Paris.
Vài ngày sau, Sainteny làm hết sức mình để chủ tịch Hồ Chí Minh khuây
khỏa.
Điều này cũng chẳng phải dễ dàng. Theo tư liệu Sainteny, Hồ Chí Minh
lo lắng về tình hình ở Paris, thậm chí còn lo ngại nhiều hơn về tình hình
Đông Dương, nơi d'Argenlieu công khai làm mọi thứ để phá bản hiệp định
sơ bộ 6 tháng 3. Hồ thậm chí đe doạ trở về Hà Nội. Nhưng Sainteny cam
đoan với Hồ, Quốc Hội Pháp chưa chính thức phê chuẩn Cộng hoà tự trị
Nam Kỳ chừng nào chưa có được kết quả trưng cầu dân ý theo hiệp định sơ
bộ Hồ-Sainteny.
Do Sainteny kiên nhẫn thuyết phục, Hồ Chí Minh bắt đầu bớt lo, vài
ngày sau chuyện trò vui vẻ với Sainteny. Thỉnh thoảng hai người tới bãi
biển Hendaye gần đó, nơi chị gái Sainteny có một biệt thự, Hồ chơi đùa với
đàn cháu của Sainteny trên bãi biển. Họ xem đấu bò sát biên giới Tây Ban
Nha, thăm giáo đường Thiên Chúa Giáo tại Lourdes. Họ tới một làng chài
nhỏ Biristou, cả hai ăn bữa trưa tại một nhà hàng địa phương. Sau đấy, Hồ
ký vào sổ lưu bút “Đại dương và biển cả không thể chia cắt những người
anh em gắn bó với nhau”. Có hôm, họ dành cả ngày đi đánh cá trên biển ở
St. Jean de Luz. Dù Sainteny sau này cho biết những ngày đó dường như
ngày dài vô tận, Hồ Chí Minh tiêu khiển bằng cách câu cá và câu được vài
con cá ngừ, trò chuyện thân mật với viên thuyền trưởng. Khi viên thuyền
trưởng kể về phong trào ly khai xứ Basque trong vùng, Hồ đáp: “Riêng
khoản này tôi có kinh nghiệm hơn anh, tôi e rằng người anh em Basque nên
nghĩ rất kỹ trước khi hành động”. Những năm sau này, Hồ Chí Minh thỉnh
thoảng có nhắc lại, đây là một trong những ngày hạnh phúc nhất của đời
ông.
Hồ Chí Minh cũng dành thời gian để giải quyết vấn đề trong nước. Trước
khi dời đi Paris, ông tiếp vài đoàn đại biểu của liên hiệp lao công, những
nhóm Việt kiều, báo L’Humanité (Nhân Đạo) của Đảng cộng sản Pháp. Khi