được chỉ thị của Moscow”. Từ Sài Gòn, lãnh sự Mỹ Charles Reed cảnh
báo, nếu Nam Kỳ rơi vào tay Việt Minh sẽ là mối nguy hiểm, họ chẳng
mấy chốc bắt đầu thả cửa tuyên truyền và hoạt động khủng bố ở
Campuchia và Lào, Reed cho đó là “điều sát sườn nhất”. Đây là lần đầu
tiên một quan chức Mỹ diễn tả điều mà sau này gọi là “học thuyết
domino”.
Cuối tháng 11-1946, Bộ Ngoại giao cử Abbot Low Moffat, Vụ Trưởng
Vụ Đông Nam Á, tới Đông Dương đánh giá tình hình chung, tìm hiểu bản
chất chính phủ Hà Nội. Moffat là người công khai ủng hộ độc lập của Việt
nam, được uỷ quyền cam đoan với Hồ Chí Minh Mỹ ủng hộ hiệp định sơ
bộ 6 tháng 3 và bày tỏ thiện cảm trước những nỗ lực của chính phủ ông
“giành được quyền tự trị lớn hơn trong khuôn khổ thể chế dân chủ”.
Nhưng Moffat cũng khuyên Hồ đừng sử dụng vũ lực để đạt được mục đích,
thúc ông chấp nhận thoả hiệp về thể chế Nam Kỳ. Như một cách can ngăn
những hoạt động khờ dại của giới lãnh đạo Việt Nam, Moffat cam đoan với
Hồ, chính phủ Pháp sẽ phải thi hành Hiệp đinh Hồ-Sainteny đã ký, phải từ
bỏ ý định phục hồi quyền cai trị thuộc địa tại Đông Dương.
Moffat đến Sài Gòn ngày 3-12-1946, sau khi thảo luận với quan chức
Pháp, bay ra Hà Nội ngày 7-12. Lãnh sự Mỹ O'Sullivan báo cáo, Hồ cảm
thấy “cực kỳ cô đơn”, cho rằng công khai chuyến đi thăm của Moffat sẽ
làm tăng vị thế của Hồ với kẻ thù. Dù Hồ vẫn đang ốm nặng (có lẽ do bệnh
lao tái phát), ông mời Moffat đến Bắc Bộ phủ thảo luận. Trong cuộc nói
chuyện, Hồ cam đoan với Moffat, mục tiêu chính của ông không phải cộng
sản mà là độc lập. Để khích lệ sự ủng hộ của Mỹ, Hồ nhắc đi nhắc lại lời
chào mời trước đây cho Mỹ sử dụng căn cứ hải quân ở vịnh Cam Ranh. Dù
thế, Moffat do chưa có chỉ thị về vấn đề này, nên ông “thực sự không biết
nói thế nào” như về sau ông điều trần trước Thượng Viện Mỹ, cuộc nói
chuyện kết thúc chẳng đi đến đâu. Moffat hoài nghi Mỹ có quyền lợi nào
đấy ở vịnh Cam Ranh, nhận xét Mỹ không thể quan hệ ngoại giao với Việt
Nam nếu thể chế Việt Nam chưa được quyết định trong những cuộc thương
lượng với Pháp.