House, cố vấn cao cấp của Tổng thống Wilson trong phái đoàn Mỹ tại
Versailles, đã trả lời ngắn gọn thư của Nguyễn Ái Quốc, thông báo đã nhận
được thư và cảm ơn tác giả đã gửi thư nhân dịp thắng lợi của đồng minh.
Lá thư thứ hai ngày hôm sau chỉ nói rằng thư của Nguyễn Ái Quốc có thể
được trình cho Tổng thống Wilson xem xét. Từ đó không thấy phái đoàn
Mỹ trao đổi lại về vấn đề này. Trên thực tế, Woodrow Wilson đã gặp phải
sự chống đối quyết liệt đối với tuyên bố mười bốn điểm của mình tại
Versailles và buộc phải nhượng bộ để đạt được một hiệp định hoà bình, một
quyết định đã gây tức giận và thất vọng trên toàn thế giới thuộc địa.
Tuy nhiên, bản yêu sách đã gây hoảng sợ trong giới chức Paris. Ngày 23-
6 Tổng thống Pháp gửi thư cho Albert Sarraut, nay đã trở lại Paris sau khi
hết nhiệm kỳ làm Toàn quyền Đông Dương, nói rằng ông đã nhận được bản
yêu sách và yêu cầu Sarraut nghiên cứu vấn đề và tìm hiểu tác giả bản yêu
sách. Tháng Tám năm đó, viên Thống sứ Bắc Kỳ đã gửi điện về Paris thông
báo rằng yêu sách đã được rải khắp các đường phố Hà Nội và được báo chí
địa phương bình luận. Đến tháng chín, Thành đã chấm dứt những phỏng
đoán về tác giả của bản yêu sách, bằng công khai nhận mình là Nguyễn Ái
Quốc trong cuộc trả lời nhà báo Mỹ làm việc cho một tờ báo của Trung
Quốc đóng tại Paris. Tuy nhiên, Thành làm như vậy mà không tiết lộ tên
thật của mình. Cũng trong thời gian đó, Thành đã làm quen với Paul
Arnoux, một cảnh sát có nhiệm vụ theo dõi các hoạt động của người Việt
Nam nhập cư ở Paris. Khi dự một buổi nói chuyện của một viện sĩ người
Pháp từng chỉ trích chính sách thuộc địa ở Đông Dương, Arnoux đã nhìn
thấy một người đàn ông trẻ sôi nổi đang phân phát những tờ truyền đơn.
Sau vài lần nói chuyện trong một quán cà-phê gần nhà hát Opera, Arnoux
đã liên lạc với Bộ Thuộc địa và gợi ý Albert Sarraut thu xếp gặp anh ta.
Ngày 6-9, Thành được Bộ Thuộc địa nằm trên đường Oudinot triệu đến
phỏng vấn trong khi đó mật vụ hoạt động trong cộng đồng người Việt Nam
lưu vong đã chụp ảnh Thành và bắt đầu dò la tin tức về tên thật của Thành.
Rất khó biết, liệu Nguyễn Ái Quốc, như Thành thường xưng như vậy,
thực sự hy vọng rằng những yêu sách về công lý và quyền tự quyết cho