cũng làm, mà chẳng được hưởng gì cả. Người nghèo phải chịu chết
chóc cho người giàu khi nào bọn này bất hoà với nhau: cái đó gọi
là thuế máu. Người nghèo làm ra được cái gì đều phải nộp cho
người giàu: cái đó gọi là thuế tiền.
"Vậy nhé, bọn tư bản da trắng lấy nước ta làm thuộc địa xong, nó bắt các
bác phải nộp các thứ thuế, mặc dầu các bác nào có của nả gì đâu. Nộp thì
không có gì để nộp; để khỏi bị hành hạ, các bác phải bỏ trốn vào rừng. Chúng
nó đem chó và đem súng đuổi theo, các bác đành phải ẩn vào một cái hang,
ngày nay gọi là hang Tuẫn nạn.
"Bọn bác hơn hai trăm mạng, đàn ông có, đàn bà có, trẻ em có. Cứ
tưởng rằng như thế là tạm yên thân, nên mặc dầu phải chịu ẩm, chịu tối, chịu
đói, cực lắm, các bác có ý định cứ nán lại đó càng lâu càng hay, vì biết rằng
bọn nó vẫn rình ở ngoài hang với súng ống. Hang tối như bưng ngày cũng
như đêm, bác chẳng biết ở trong đó bao lâu.
"Chẳng trông thấy gì hết, chẳng nghe thấy gì hết, trừ tiếng
chó sủa dữ dội, xa xăm, nhắc nhở rằng tình thế vẫn hiểm nghèo.
"Một ngày nọ, nói đúng hơn là một đêm nọ, các bác ngửi thấy có cái mùi
khét lẹt tràn vào chỗ náu trong lòng đất. Mùi khét nặng lên nhanh và trở
thành không thể chịu nổi. Gì thế? Chẳng ai biết... Trẻ nhỏ thì khóc, đàn bà thì
la, đàn ông thì chửi. Hoảng loạn! Chạy đi ư? Nhưng chạy đâu chứ? Khủng
khiếp quá! Tiếng răng lập cập, tiếng thét xé tai, tiếng nấc, tiếng thân người đổ
xuống, tiếng khóc điên rồ, làm cho cái xó tối ám khói đó hệt như là một địa
ngục.
"Bấy giờ bác ở tận cuối hang. Bác theo bản năng nhắm mắt, ngậm
miệng, áp mặt vào vách hang. Như thế cảm thấy dễ thở hơn và ngủ đi lúc nào
không biết. Tỉnh dậy thì thấy có tia sáng chiếu chếch vào mặt, đấy là một kẽ
hở qua đất, nhờ đó mà bác thở được và thoát chết. Bác nhằm đào một lối ra
phía đó, nhưng chỉ mệt xác vô ích. Bác bèn quyết định thôi đành liều mạng
cứ phía cửa hang mà ra. Quờ quạng và dẫm qua hai trăm xác chết hun mới trở
lại được với khoảng trời tự do.