Nàng liền quỳ xuống:
- Thần thiếp từ khi vào cung, được bệ hạ sủng ái, ơn ấy chưa biết lấy gì báo
đáp. Nay, quân sĩ gặp nạn, thần thiếp xin hy sinh để nguôi cơn giận của
thần biển... Thiếp chỉ cầu xin sau khi thiếp chết, bệ hạ hãy sửa văn, nghỉ võ,
tìm dùng người hiền, làm điều nhân nghĩa, nghĩ kế lâu dài cho trăm họ...
Nói xong, nàng Bích Châu ra đầu thuyền rồng, nhẩy xuống biển. Sáng hôm
sau, quả nhiên biển yên sóng lặng. Vua Duệ Tôn thương tiếc vô cùng, cho
lập đàn cúng tế, và xây miếu thờ trên bờ biển.
Đoàn chiến thuyền tiếp tục vượt biển đến cửa Nhật Lệ. Vua lên bộ, cưỡi
ngựa đi trên bờ. Nhà vua cưỡi con ngựa đen, mặc giáp màu đen, trông oai
phong lẫm liệt.
Đại sai Ngự Câu Vương Trần Húc, con trai thượng hoàng Nghệ Tôn, và là
con rể của vua, mặc quần áo trắng cưỡi con ngựa trắng đi bên cạnh. Duệ
Tôn vui vẻ nói với tả hữu:
- Dòng dõi anh ta là dòng văn. Dòng dõi của ta là dòng võ. Họ nhà Trần ta
vàn võ song toàn. Phen này, ta ra quân cả văn cả võ, chắc chắc giặc nước
phải dẹp yên.
Ba quân trên thuyền. nhìn vua và Ngự Câu vương một đen một trắng song
song bên nhau liền reo hò: Nhà vua vạn tuế.
Duệ Tôn lấy làm đẹp lòng, cho quân sĩ đóng quân ở cửa Nhật Lệ, thao diễn
tập thuỷ quân, quân đội tập luyện rất quy củ. Tin vua Đại Việt quân tướng
tập luyện, khí thế rất hùng mạnh, lan cả vào đất Chiêm Thành, làm dân
nước nọ xáo xác, chuẩn bị chạy trốn. Nhiều nhà buôn ở thành Đồ Bàn đến
quân doanh Đại Việt xin đầu hàng và thông báo tin tức về quân Chiêm. Vua
Duệ Tôn cả mừng:
- Phen này trời giúp ta rồi?
Tháng giêng, đoàn chiến thuyền vượt bờ biển Tân Bình và Hoá Châu tiến
sâu vào đất Chăm Pa. Dân Chiêm phần lớn bồng bế nhau chạy lên núi. Một
số quan lại địa phương bày hương án ngoài bờ biển, mang rượu thịt đến
khao quân Việt và xin được đầu hàng. Vua Duệ Tôn vui mừng, sai người ra
vỗ về họ. Vua hỏi:
- Tình hình Chế Bồng Nga ra sao?