Nguyễn Xuân Khánh
Hồ Quý Ly
Chương 2
Thế kỷ XIII Đại Việt ba lần chiến thắng lẫy lừng quân Nguyên hung bạo.
Nhưng ngay sau đó, thế kỷ XIV nhất là nửa sau của nó, Đại Việt trở nên
suy yếu, làm mồi cho sự tấn công liên miên của người Chiêm Thành
phương Nam. Vào thời kỳ đó, có thể nói quân Chiêm ra vào tấn công Đại
Việt như đi chợ, muốn đánh lúc nào thì đánh, muốn rút lúc nào thì rút.
Tính từ khi vua Nghệ Tôn dẹp loạn Dương Nhật Lễ, chiến tranh Chiêm -
Việt xảy ra mười lần, hầu hết quân Việt bị thua.
Sau trận đại bại của quân Việt năm Đinh Tỵ (1377), khi vua Duệ Tôn đem
mười hai vạn quân vào thành Đồ Bàn, đại quân tan tác. Duệ Tôn tử trận, từ
đó Đại Việt hoàn toàn mất hết nhuệ khí, quân Việt từ chỗ khinh thường
quân Chiêm, đã quay ngược trở lại, trở nên sợ hãi quân Chiêm. Còn quân
Chiêm từ chỗ nhút nhát, sau chiến thắng, đã trở thành đội quân thiện chiến,
gan dạ.
Quân Chiêm, dưới sự chỉ huy của thiên tài quân sự Chế Bồng Nga, thường
đem quân ra đánh phá nước ta vào mùa gió nồm nam. Bình thường họ đánh
phá cướp bóc các tỉnh miền Trung: Thanh đô trấn, Nghệ An, Tân Bình.
Thuận Hoá. Khi thời cơ thuận tiện, Chế đem quân ra tận kinh đô Thăng
Long cướp phá.
Vua Nghệ Tôn tính tình nhu hoà, vô cùng sợ người Chiêm. Nghệ Tôn sợ
hãi đến nỗi đem tất cả mồ mả cha ông chuyển về làng Yên Sinh ở Đông
Triều. Lại đem chôn dấu vàng bạc, tiền đồng và của quý vào trong núi đá.