đối với ông cũng lần lần giảm xuống. Cái ranh giới từ thiện cảm chuyển
sang căm ghét là từ lúc nào, từ việc nào cũng không ai xác định nổi. Chỉ
biết rằng sau trận Hoàng Giang ít lâu, thượng tướng cáo bệnh xin nghỉ ở
nhà. Trong bài thơ tặng Khát Chân hôm đi theo Nghệ Hoàng dự tiệc Đại
Mai, cha tôi có trách khéo:
Cây mai già
Cánh hoa ngọc ngà
Dầu dãi tuyết sương
Đã lâu rồi vẫn lặng tanh
Kẻ trượng phu sao phụ chí bình sinh...
Tôi cho rằng người bạn vong niên của tôi lúc đó còn đương do dự. Ông
không biết nên đứng về tân pháp hay về phe bảo thủ. Sự tri ngộ của một
người thông minh tài trí hẳn có hấp lực riêng của nó chứ. “Kẻ trượng phu
sao phụ chí bình sinh?”. Câu thơ ấy nói gì? Nhác nhở ư? Hay một chút nghi
ngờ? ở thời “thiên tuý”, ai dại gì gây sự chú ý, gây sự nghi ngờ. Thượng
tướng cũng không ra ngoài thông lệ.
Từ hôm đó, ông lại trở về triều chính, nhưng ông ít nói. Ông như người
đứng giữa, ít chống đối mà cũng chẳng về hùa với cha tôi. Tuy không lôi
kéo được, cha tôi vẫn đối xử trọng đãi thượng tướng. Có thể đấy là dấu
hiệu của sự chờ đợi, cũng có thể là đối sách tránh tạo thêm thù.
***
Ở thời đại tân pháp, cải cách, tranh tối tranh sáng, thời đại “thiên tuý” như
ông già điếc Sư Hiền vẫn nói, thật mệt! Bao nhiêu là thay đổi. thay đổi đến