Ba vị sư này đều là nghĩa quân trong cuộc nổi loạn đánh vào Thăng Long
của Phạm Sư Ôn. Nghĩa quân tan rã. Họ trốn ra vùng đảo, đến chùa Lấm là
nơi mà trước kia hai người trong số họ đã trụ trì. Ngạc vội vàng nâng ba
người dậy, và hỏi:
- Tình hình vùng này ra sao?
- Bẩm đại vương, trong chùa còn mấy chú tiểu, họ cũng đều là người tâm
phúc. Sau chùa, có một đường hẻm thông ra một vũng biển nhỏ kín đáo, ở
đấy lúc nào cũng có sẵn một chiếc thuyền dấu trong hang. Tình hình quan
quân chẳng có gì đáng ngại. Những người lính tuần biển thường qua lại
cũng là chỗ thân quen. Đại vương sẽ ở trong một ngôi nhà nhỏ sau chùa...
Ngôi nhà kín đáo người ngoài chùa không được vào khu đó...
Trang Định Vương yên tâm mỉm cười cùng dắt tay mọi người tiến vào chùa
hộ. Vương càng vui lòng hơn khi biết rằng suốt dọc hải đảo sang đến biên
hải Bắc Quốc còn có ba, bốn cơ sở khác để liên lạc, cũng vững chãi và
đáng tin cậy như ở chùa Lấm này.
Trang Định Vương khoan khoái về nghỉ ở ngôi am cỏ cạnh con đường hẻm
tháo lui. Nhưng nỗi khoan khoái của ông chẳng được bền. Ông nằm chợp
mắt đến giờ ngọ thì có tiếng chân dồn dập chạy tới. Một sư bác mắt sáng
đánh thức vương dậy:
- Xin đức ông mau theo con. Quan quân đã đến chùa ngoài, họ đang sục
tìm.
Vương theo nhà sư chạy theo đường hẻm sau núi, lẻn đến hang dấu thuyền.
Vương sắp sửa xuống thuyền bỗng nghe tiếng nói: