***
Sau ngày hội thề, cũng là lúc Sử Văn Hoa đột nhiên khỏi bệnh. Ông giã từ
sư Vô Trụ ở chùa Sùng Quang, trở về nhà. Ông mỉm cười khi nghĩ tới cụ
lang họ Phạm và nhà sư cứ ngạc nhiên tại sao ông lại đoán được vua Nghệ
Tôn sắp gọi ông vào cung. Có gì bí ẩn đâu. Nghề chiêm bốc của ông vốn
như vậy; cứ mỗi lần có những biến động lịch sử, cứ mỗi khi bi kịch như
sấm sét được tích tụ trong cơn bão sắp nổ xuống đầu con người, thì con
người lại cầu đến ông, nhất là các bậc vua chúa. Ông là người viết sử,
người chiêm bốc. Toàn là những chuyện đùa chơi với lửa cả. Chép việc đời
như thế nào đây? Sự lý biến dịch ra sao? Ta là kẻ dùng cây bút, dùng ba tấc
lưỡi để hé nhìn tương lai, để sống ở đời, để làm bạn với vua chúa. Chỉ một
chữ thôi, chỉ một câu nói thôi, ta có thể làm xổng xích một bạo chúa, hoặc
có khi ngăn chặn một cuộc chém giết. Ta là kẻ thiện hay kẻ ác? Ta run sợ
khi nghĩ đến điều đó, bởi chữ nghĩa có thể làm đảo điên biến ác thành thiện,
hay thiện chuyển sang ác. Sống ư? Chết ư? Ta hàng ngày sống cận kề với
chúng, cái chết của người đời và ngay cả cái chết của ta. Thú thực, lắm khi
ta run sợ, ta muốn thoái lui; nhưng vở tuồng đại loạn đang cưỡi trên chiếc
xe điên rồ, đang phi như bay trên quê hương ta. Thật đáng sợ nhưng cũng
đầy hấp dẫn. Lạy trời? Chỉ mong sao chữ nghĩa của ta một phần nào ngăn
được đà chạy của chiếc xe điên rồ đó. Lạy trời cho cả gió lên, bởi vì chỉ hết
gió cả, mới có chỗ cho gió hiu hiu trở lại.
Sử đoán không sai; ông vừa về đến nhà đã nhận ngay được lệnh triệu vào
cung gặp Nghệ hoàng. Ông vua già rất quý Sử Văn Hoa sau việc đoán
mộng cho Duệ Tôn và sau khi Duệ Tôn bị tử trận ở Chiêm Thành. Ông gặp
Sử, nghe Sử nói chuyện rất hợp ý. Sử lại dâng sách cho thượng hoàng xem:
đó là phần một cuốn Trần sử, cuốn sách ông đã dành tâm huyết và đang
viết dở dang. Trần Nghệ Tôn xem sách xong, khen hết lời và ban cho ông
chữ Sử làm họ và cái tên Sử Văn Hoa cũng bắt đầu từ đấy. Thượng hoàng