lành bệnh. Kể với ta, nàng ròng ròng nước mắt. Nàng không nói, nhưng ta
biết nàng đã khóc cho cái mầm tình yêu bị đốn chặt ngay từ lúc chưa hình
thành, cái mầm sống mà nàng nâng niu và ta cũng ước ao. Mấy tháng sau,
khi ta đã hoàn toàn tỉnh táo và nhớ lại chuyện xưa, ta đòi nàng về hầu hạ ta.
Họ bắt buộc phải cho nàng về với ta, nhưng đêm đó nàng đã khóc nức lên:
- Bệ hạ ơi! Thiếp bây giờ chỉ là thứ cây khô.
- Nàng nói thế nghĩa là sao?
- Thiếp chẳng thể sinh con cho chàng được nữa.
Thế đấy. Nỗi đắng cay của nàng đến thế mà cũng không xong. Khi thượng
phụ sai thượng thư Hà Đức Lân dỡ ngói lưu ly ở điện Thiên Chương. dùng
thuyền chuyên chở vào động An Tôn, để cấp tốc xây dựng Tây Đô, Ngọc
Kiểm nói với ta:
- Thái sư dời đô là sắp có chuyện cướp ngôi đó.
Lấy lý mà suy, chuyện dời đô có một mục đích như thế thật. Bởi vì tổ tiên
nhà Trần ta đã tạo ra bao ân đức. Ba lần đánh thắng quân Nguyên, xây
dựng nước Đại Việt trở nên văn hiến, hùng cường... những điều đó há
chẳng ghi sâu vào tấm lòng người Việt sao, nhất là dân Thăng Long.
Thượng phụ định dời đô tức là sợ dân Thăng Long, đã thấy cái yếu vì lòng
dân chẳng ủng hộ mình. Tuy nhiên, bè đảng của ông quá mạnh, ông lại là
người cứng cỏi... Chuyện dời đô, dân Thăng Long đang xì xầm khắp nơi.
Ai chẳng nói giống Ngọc Kiểm. Chỉ có khác, Ngọc Kiểm đã dám thẳng
thắn nói với ta... Ta thật sơ suất, ta thật ngây thơ, chỗ nào mà chẳng có tai
mắt của thượng phụ; ta đã có lỗi với nàng vì đã để mình nàng gánh chịu
hậu quả. Chỉ chờ có cớ, lập tức một vụ án đã xẩy ra. Đầu tiên, người bắt
Ngọc Kỵ cô cung nữ em họ Ngọc Kiểm, hầu hạ ta ở ngoại phòng. Bị tra tấn
khủng khiếp. Ngọc Kỵ khai ra Ngọc Kiểm. Ngọc Kiểm lại bị tra tấn ráo riết
hơn. Họ muốn tìm ra những đại thần phía bên trên Ngọc Kiểm. Thượng
phụ muốn nhân vụ án, khủng bố để dập tắt dư luận và tiến thêm một bước
bẻ gãy phe chống đối. Ngọc Kiểm vẫn không một lời khai. Đến chết cô vẫn
chỉ nói:
- Dời đô, tức là sắp cướp ngôi.