Trần Khát Chân lắc đầu.
- Còn Nguyễn Cảnh Chân, Trần Vấn?
Khát Chân lại lắc đầu.
- Còn xa kỵ tướng quân Phạm Khả Vĩnh? Ông này vô cùng kín đáo.
Khát Chân cười:
- Đúng ông ta thật kín đáo. Lắm lúc ta còn tưởng ông về hùa với Quý Ly...
Tuy nhiên, ông ta có mối giao tình với tôi.
- Ông nói sao?
- Khả Vĩnh có mối giao tình với tôi kể từ ngày đánh Chế Bồng Nga. Ông
Vĩnh và tôi đều được Nghệ Hoàng phong tước hầu và chức tướng quân.
Nghệ Hoàng còn ban yến riêng cho hai người. Lúc ăn, Nghệ Hoàng nắm
lấy tay hai chúng tôi đặt lên nhau. Người nói: “Các khanh đã cứu nguy cho
nhà Trần thoát khỏi một phen đại nạn. Ta nay đã già rồi, cũng sắp trở về với
tiên tổ. Nhà vua hãy còn ít tuổi. Các khanh là những người giỏi quân cơ.
Khi ta đã đi xa rồi, tới lúc đó chắc còn nhiều việc xảy ra. Mong rằng các
khanh sẽ là những cột trụ cho nước nhà. Ta rất trông cậy ở hai khanh”. Nói
xong thượng hoàng rơm rớm nước mắt. Càng ngày thái sư càng lộng
quyền. Phạm Khả Vĩnh đóng cửa ở nhà ít giao du với mọi người. Ra triều
đình, ông ta ít nói. Tôi thở dài cho rằng ông ta đã đổi chí, hoặc sợ hãi, nên
mũ ni che tai, an hưởng thái bình, sống chết mặc bay. Cháu Khả Vĩnh là
Phạm Tổ Thu làm gia tướng của tôi. Tôi thăm dò thái độ. Thu bảo: “Bác
Vĩnh tôi rất kín đáo ngay cả vợ con, bác cũng chẳng bao giờ hở ra điều gì
về việc triều chính”. Tôi nói: “Ông Vĩnh từ xưa đến nay vốn trọng lễ nghĩa
và nghiêm trang, linh cẩn”. Tổ Thu dè dặt: chính vì vậy, nên tiểu nhân mới
mạnh dạn xin đức ông trực tiếp gặp gỡ bác. Tôi hỏi: “Tại sao anh khuyên
tôi như vậy? “ Tổ Thu thưa: “Chính vì bác tôi là người trọng lễ nghĩa”.
Nghe lời khuyên của Tổ Thu tôi đến gặp xa kỵ tướng quân Phạm Khả
Vĩnh.
Nhận được danh thiếp của tôi, tướng quân ăn mặc tề chỉnh cùng gia thuộc
ra đứng chờ đón ở thềm nhà tiền đường. Câu đầu tiên của ông ta là: “Nhờ
ơn sáng đức vua, nhờ tài kinh bang tế thế của quan thái sư, anh em ta mới
được an hưởng thời thái bình như hôm nay...”. Tôi như bị một gáo nước