Đô Trấn. Ông ta thay đổi hẳn. Việc Quý Ly bắt ông dỡ điện Thuỵ Chương
và Đại An đem vào xây dựng Tây Đô, đã làm ông phẫn nộ. Có người thân
cận với Bưu đã cho tôi biết tâm sự kín đáo của ông. Còn Hà Đức Lân năng
nổ nên được Quý Ly tin cậy Nhưng gần đây, ông rất ưu tư. Nhất là chính
sách hạn điền, bắt người có ruộng tự cung khai, cắm biển đề tên chủ ruộng,
ai thừa số quy định thì sung công. Hành khiển Hà Đức Lân phản ứng, chỉ
dám nói với người thân tín trong phủ: “Đặt ra phép này chỉ cốt để cướp
ruộng của dân mà thôi”. Thế mà câu nói đó cũng đến tai Quý Ly. Thái sư
giáng Lân từ chức hành khiển xuống thượng thư.
Thượng tướng Khát Chân vui vẻ:
- Việc chúng ta chỉ cốt nắm các đại thần. Cánh quan võ đã có tôi và tướng
Khả Vĩnh. Còn cánh quan văn, xin ông lo liệu giúp. Việc cơ mật này chỉ vài
người biết với nhau là đủ... Những ngày sắp tới, tôi lo thu xếp gia đình vào
Tây Đô ngay kẻo Quý Ly ngờ vực. Trong lúc lộn xộn thế này, ta có nhiều
cơ hội tiếp xúc với các vị đại thần... Tình thế khẩn trương lắm rồi, xin quan
huynh cẩn trọng...
Hai người bái biệt chia tay. Nhà quan Thái bảo ở gần Quốc Tử Giám, sát
Đại Hồ, chạy dài suốt từ phía Tây đến phía Nam Thăng Long, từ Quốc Tử
Giám nối liền đến khu Trại Mai của Thượng tướng. Khát Chân mặc giả dân
thường, Phạm Ngưu Tất đội nón lá làm người lái đò chèo thuyền cho tướng
quân. Trong đêm lạnh, con thuyền của Khát Chân xào xạc đi trong bãi sậy.
Những con vạc từ mặt hồ bay lên, kêu ngơ ngác trong cái mù mịt hơi nước
được ánh trăng chiếu vào trông như khói đục. Những người đánh cá trên hồ
gõ nhịp đuổi cá, tiếng thanh tre đều đều buồn man mác. Một người đàn bà
nào đó cất tiếng hát. Hát rằng:
...Can qua... rồi lại can qua...
Cái cò lầm lũi ai mà xót thương
Đêm trường... rồi lại đêm trường
Co ro cánh vạc gió sương lạnh lùng...
Thượng tướng nghe tiếng hát thấy nao nao trong dạ. Giọt sương đêm hay
giọt nước mắt chợt đọng lại và chảy dài trên gò má vị anh hùng... Ông giơ
bàn tay to, lạnh ngắt của mình quệt ngang mặt.