Nguyễn Xuân Khánh
Hồ Quý Ly
Phần II - Chương 1
Lê Nguyên Trừng
Tôi là Lê Nguyên Trừng, hay nói cho đúng hơn tôi là Hồ Nguyên Trừng.
Theo gia phả từ xưa để lại, ông tổ của chúng tôi Hồ Hưng Dật từ miền Triết
Giang Trung Hoa, vào thời Ngũ Quý, đã sang đất Giao Chỉ làm quan ở
Diễn Châu. Trải qua mười hai đời, đến đời cụ Hồ Liêm lại di cư sang
trương Đại Lại phủ Thanh Hoa làm con nuôi quan tuyên uý Lê Huấn; từ
đấy chi họ Hồ ở Thanh Hoa đổi làm họ Lê. Cha tôi, Lê Quý Ly là cháu bốn
đời của cụ Hồ Liêm. Khi hai bà cô của cha tôi là thái hậu Đôn Từ và Minh
Từ được tuyển vào cung làm phi cho đức vua Trần Minh Tôn, rồi lại đến
khi con của bà Minh Từ lên làm vua tức là Trần Nghệ Tôn, thì bố tôi biết
thời vận của dòng họ nhà tôi đã đến. Quả đúng như cha dự đoán, vua Nghệ
Tôn, người anh em con cô cậu với cha tôi, đã rất quý trọng cái tài kinh bang
tế thế của cha tôi. Ông đã được thăng quan vùn vụt để cuối cùng lên hàng
quan nhất tể triều đình. Đến lúc này, cha mới bảo tôi:
- Trong đạo hiếu, việc làm rạng rỡ tổ tiên, làm cho tên tuổi của dòng họ
vang danh, lưu truyền sử sách, đó chính là đại hiếu. Lúc nào trong tâm
khảm con cũng phải nhớ con dòng dõi họ Hồ. Việc đổi sang họ Lê chỉ nhất
thời; người quân tử cũng phải biết chịu khuất thân, miễn chí lớn cuối cùng
đạt được.
Cha tôi sáng mắt lên, rồi mơ màng kể cho tôi nghe về dòng dõi họ Hồ.
- Họ Hồ nhà ta chính dòng dõi Ngu Thuấn. Ông Hồ Công Mãn là con cháu
Ngu Thuấn được phong ở đất Hồ cho nên lấy chữ Hồ làm họ; cụ Hồ Hưng
Dật sang Giao Châu làm quan chính là hậu duệ của cụ Hồ Công Mãn...
Thế đấy! Tôi hiểu ý cha tôi muốn nhắc nhở rằng tôi chính là con cháu của
các bậc vua chúa, mà lại là những ông vua vĩ đại lừng danh thiên hạ. Ôi chí
lớn? Tôi cũng hiểu chính vì cái chí lớn đó mà cha tôi đã rất hài lòng khi tôi
miệt mài đọc sách của trăm nhà, và khi tôi chăm chú theo hầu ông ngoại tôi
để học lấy cái nghề y sư. Nhưng y sư đâu phải là điều cha tôi đã bằng lòng.
Ông còn muốn tôi là đại y sư.