muốn dấu đi vẫn bị Duệ Tôn buột miệng nói ra với chi tiết “bầu trời lúc đó
đen kịt, sầm sịt”. Nhìn lên trời lại hoá ra nhìn xuống đất. Muốn được lại
hoá thành thua. Sử Văn Hoa tự cười thầm với những ý nghĩ ngờ vực của
mình - Và ông nhắm mắt lại, bấm đốt ngón tay, tập trung vào suy nghĩ
những chi tiết và những diễn biến của giấc mộng Quý Ly, mà sau này người
ta gọi là “giấc mộng kẻ bôi vôi mặt”.
Thực ra, giấc mộng là một câu đố hắc búa đối với Sử. Giải mộng thế nào
đây? Quý Ly là người đa sát. Chẳng lẽ nói ra để rồi hứng chịu một hậu quả
thảm khốc? Chịu chết để lấy một tiếng khen hậu thế ư? Ta đâu có cần. Điều
ta cần là một cái gì ích lợi, hữu hiệu, làm thế nào bây giờ? May mắn thay,
đúng lúc đó Quý Ly ra khỏi căn phòng. Ông ta để cho Sử Văn Hoa suy
ngẫm. Sử vẫn nhắm mắt, thở nhè nhẹ, ý thủ đan điền... Dần dần ông quên
đi những điều hệ luỵ, những sự vật chung quanh. Một giọng nói vô thanh
khẽ nhủ thầm với ông: “Giấc mơ thật đấy. Hãy nói cho ông ta biết sự thật
đi. Lúc này, ông ta cần biết nhiều sự thật nhất. Có thể một sự thật thô thiển
sẽ làm cho ông ta bực bội, tức giận. Song cũng có thể những sự thật mờ ảo
lại giúp ích hơn...”.
Quý Ly bước vào. Ông ta không ngồi trên chiếc ghế da hổ nữa, mà đứng
cạnh án thư. Ông chắp tay sau lưng và nói:
- Nào, tôi xin nghe lời giải mộng của ông đây. Sử Văn Hoa, nhìn thẳng vào
đôi mắt sáng quắc của Quý Ly, lúc này chúng có vẻ háo hức và xởi lởi, Sử
chậm rãi nói, giọng trầm trầm:
- Trong giấc mộng của thái sư, có hai điều then chốt cần chú ý. Thứ nhất
“khuôn mặt bôi vôi” đứng ở tầng lầu của Điện Đại Minh, nghĩa là khuôn
mặt ấy ở trên cao, thứ hai “thái sư ngửa mặt lên” nghĩa là ngài đứng dưới
đất. Giấc mộng có nhiều chi tiết nhưng chỉ là những đồ gia vị thêm thắt.
Giải được hai điểm chính ấy ta sẽ biết được cái sự thật mà lương tâm ngài
muốn che giấu với mọi người, và muốn che giấu với cả chính bản thân ngài
nữa.
- Ta lại muốn che dấu cả với ta? Hay thật? Ông Sử ơi! Ông đã làm ta phải
chú ý rồi đó.
Sử Văn Hoa vẫn nhìn thẳng vào đôi mắt Quý Ly: