- Cha bảo, lúc mới ra Thăng Long, cha ở trọ trong chùa đổ. Còn mẹ thỉnh
thoảng đến bán rượu, vẫn đặt gánh ở chỗ con trâu đá. Vì ở đó có bóng mát,
lại có cái bệ đá dưới chân con trâu, ngồi rất tiện.
Cô gái nói xong cười khúc khích. Phạm cũng cười.
- Thảo nào lúc chạy nạn, đêm hôm đó tối trời đến thế, bác vẫn nhớ đường
đến chỗ con trâu đá. Mà này...
- Làm sao?
Cả chúng mình cũng gặp nhau lần đầu tiên ở chỗ con trâu đá... Em không
nhận ra ư?... Điều lành đấy... Hạnh đỏ mặt lúng túng, và trông cô càng xinh
đẹp. Phạm Sinh đến trước mặt ông già, cúi đầu vái chào. Ông Sử gầy gò
lom thom, tươi cười:
- Gia đình tôi được đoàn tụ ngày hôm nay, phải chịu ơn sự cưu mang của
công tử nhiều lắm.
Nói xong, ông lễ phép cúi mình vái. Phạm lúng túng không dám nhận lễ.
Ông già đi dẫn đầu mọi người vào trong chùa. Ông chỉ một cây đề to, bóng
mát toả một vùng:
- Chỗ này xưa kia, người ta xếp giàn củi để thiêu sư Đà La. Sau khi sư chết,
có người để tưởng nhớ ông thày chùa từ bi, chết oan uổng, đã trồng một
cây đề con vào nơi đó. Thế mà, nay cây đề đã thành đại thụ xum xuê... Còn
ngôi chùa thì tiêu điều đổ nát. Nhanh thế đấy - ông nhìn bà và hỏi - Từ dạo
ấy đến nay đã bao nhiêu năm rồi nhỉ?
- Từ dạo quân Chiêm đốt phá Thăng Long đến nay đã ngót nghét ba chục
năm.
- Nhanh thật! Tôi với bà nay đã thành người già cả rồi.
Ông ngậm ngùi đứng trước pho tượng hộ pháp lở lói:
- Xưa kia, pho ông Thiện đẹp nhất chùa này. Nơi đây vàng son chói lọi.
Hương khói không bao giờ tắt. Thế mà ông Thiện nay đã cụt tay.
Cô Hạnh thật khéo. Không biết bằng cách nào đã tìm được một hũ rượu mơ
thơm nức. Ông nhấp hớp rượu rồi sáng mắt nhìn vợ:
- Đúng là rượu nhà ta. Những ngày gian truân ấy mà bà vẫn giữ được nó
sao?
- Những ngày gần đây, đã thấy nguôi nguôi, chẳng còn ai để ý đến mẹ con