những lời tâm sự về ông vua bé nhỏ Trần An, đứa cháu ngoại run rẩy ngồi
trên ngai vàng. Hay dó là những lời biện bạch về số phận của Thuận Tôn,
ông vua của vương triều nhà Trần, đã vĩnh viễn bay về tiên cảnh... Hay có
khi ông đang hé cho bà biết những điều vừa vĩ đại vừa khủng khiếp đã và
đang xảy ra với núi sông...
Nguyên Trừng nhìn chiếc lưng còng của cha mình đang rung lên từng đợt,
Trừng chợt nhớ tới vua Thái Tôn Trần Cảnh của nhà Trần ngày xưa. Ông
vua uyên bác và nhân từ ấy đã chẳng từng viết bao nhiêu bài kinh sám hối
trong cuốn Khoá Hư Lục: sám hối buổi sáng, sám hối ban trưa, cả sám hối
khi đêm xuống. Kẻ mở đầu một vương triều bao giờ chẳng thế! Điều khác
biệt đó là Trần Thái Tôn viết ra thành văn điều sám hối, còn Quý Ly, cha
ông, lại quỳ dưới chân pho tượng trắng... để thổ lộ với một hòn đá vô tri.
Nguyên Trừng lập tức lùi lại, rồi rón rén quay về toà tiền điện. Ông hiểu,
dù mình là con, cũng không nên có mặt trong những phút yếu đuối của một
con người đầy khát vọng như cha mình.
***
Không lâu sau đó, Hồ Quý Ly đã đến nhà tiền điện. Ông chằm chằm nhìn
vào mắt con trai. Lúc này, ông đã là một con người hoàn toàn khác hẳn.
Hình như những tia nhìn của ông tỏ ra rằng ông đã biết mọi chuyện. Tia
nhìn lạnh băng ấy như quở trách ngầm, Nguyên Trừng vội cúi xuống chào
cha. Ông báo cáo tình hình bằng mấy câu nói ngắn gọn:
- Thưa cha, mọi việc cha giao, con đã hoàn thành. Tất cả đều diễn ra như ý
định của cha.
Quý Ly gật đầu, rồi ông nhắm mắt lại như để sắp xếp những ý tưởng, trước
khi cái giọng trầm trầm của ông cất lên:
- Anh về kịp lúc. Đúng ngày mai, ta cho mở hội mừng tân đô. Dân thèm
ngày hội, ta cho ngày hội. Hãy cho người Mường, người Thái... xuống núi
mà thi gõ chiêng, đánh trống. Hãy cho những người hát xẩm, những đào
nương, những phường chèo đến mà khoe giọng hát. Hãy cho đánh đu, chọi
gà, múa rối, đánh vật. Ban đêm cho đốt cây bông, thi đèn cù... Và, cũng có
thể cuối cùng mở hội chọi voi cả một ngày ròng... Nói tóm lại, làm mọi
cách cho thật tưng bừng trước lúc hội thề.