tên ư? - “Bẩm, từ nhỏ người ta vẫn gọi con là thằng cu, lớn lên là anh cu rồi
sau này là cụ Cu cũng nên... Thưa, con vẫn chưa có tên”.
- “Vậy ta đặt tên cho ngươi là Bình Chiêm”
Mọi người nghe đều cười ồ. Ông đạo sĩ cũng mở mắt ra, mỉm cười nói:
- Tôi xin có lời chúc mừng bác Chiêm.
- Mừng cái đếch gì! Ông biết không, chính vì bây giờ thoát đời nô tì nên tôi
đang lúng túng và phải nhờ ông xem quẻ.
- Sao lại lúng túng? Tôi gieo quẻ của bác, thấy đã hết vận bĩ.
- Hết cái đếch gì! Thế này nhé? Bây giờ tôi không có quê mà về, không có
gia đình để săn sóc, không có ruộng đất trong tay... Hỏi tôi sẽ di đâu? Nếu
tôi đi lang thang, thái sư đã có lệnh hộ khẩu rồi, tôi sẽ bị bắt xung vào quân
khai khẩn, đưa vào vùng Hoá Châu, nơi rừng thiêng nước độc, khó thấy
ngày về. Hoá ra, thoát khỏi rọ cua, lại chui sang rọ cá.
Mọi người muốn cười, nhưng chỉ nhếch mép lên thôi.
- Hay là tôi xin trở lại kiếp làm nô? Nhưng lúc này đâu đâu cũng hạn nô, ai
người ta nhận... Hay là... tôi đi làm giặc? Nhưng làm giặc thì biết đầu quân
ở nơi đâu...
Ông đạo sĩ nghiêm trang:
- Bác chớ lo. Bác cứ theo tôi. Chỗ tôi ở là đất rừng, thiếu gì đất cho một
con người sức vóc như bác.
Gã râu xồm từ lúc nãy vẫn lặng yên nghe, bỗng nắm bàn tay người nông
dân bù xù:
- Theo ông đạo sĩ ư? Hoạ là điên? Họ chỉ giỏi nghề bẻm mép.
Rồi hắn chìa đôi bàn tay chai sạn rắn như thép ra:
- Bác nhìn tay tôi này. Đôi tay này bác đã đủ tin chưa? Bác muốn cày ruộng
ư? Bác muốn làm giặc ư? Bác muốn thoải mái, tự do tự tại ư? Chỉ có tôi
mới giúp được bác...
Bình Chiêm nhìn vóc dáng gân guốc của gã râu xồm. nhìn đôi bàn tay thô
nháp đương chìa ra trước mặt, bác nắm lấy bàn tay ấy rồi cười to:
- Tôi tin vào đôi bàn tay của bác.
Đạo sĩ thở dài. Gã râu xồm rút ở túi ra một tờ tiền giấy mới tinh đưa cho
đạo sĩ: