vào ngồi bên những gốc cây.
Hai gã râu xồm, và cao gầy đi một lượt vòng quanh chân đồi, nhưng chỉ
thấy các cô hàng xén, cô bán rượu, cô bán nón chào mời đon đả... Không,
người bọn họ cần tìm không phải các ả hơ hớ và tíu tít này; một gã đàn ông
cơ; không phải dân cầy mà thuộc loại dân thầy... Tìm đâu bây giờ? Thử lên
lưng chừng đồi xem sao. Trên này có nhiều đàn ông hơn. Gã bán lợn, gã
bán nồi đất, ông hàng thịt chó. anh thợ hoạn lợn... Cũng không phải bọn
người này. Chợt hai người trông thấy mấy kẻ đang xúm xít ở gốc thông già
trên gần chóp đỉnh đồi. Tới nơi mới biết ở đó có ông thầy tướng đang đoán
số.
Có người nông dân vạm vỡ cười nói oang oang. ngồi bệt xuống đất trước
mặt ông đạo sĩ. Người đạo sĩ gầy guộc có bộ râu đen dưới cằm, vẻ hiền từ
nghiêm trang, sau lưng là một đạo đồng mi thanh mục tú, người nhỏ nhắn
dáng thư sinh. Người nông dân có mớ tóc bù xù, chừng đã uống khá nhiều
rượu. Giọng ông ta vui vẻ, hài hước:
- Xin chào kẻ ăn mày.
Người đạo sĩ bị gọi là ăn mày, mặc quần áo mầu xám, tuy đã cũ, nhưng còn
lành lặn, chợt mỉm cười.
- Tôi là kẻ tu hành.
- Thì kẻ tu hành với người ăn mày có khác gì nhau. Ngay cả ông vua với kẻ
ăn mày cũng chẳng khác gì nhau.
- Ông nói vậy, bần đạo không hiểu.
- Ông là người có chữ. sao lại không hiểu thời bão nổi can qua. Khi ấy đến
vua cũng còn có thể hoá ra ăn mày...
Gã râu xồm vừa mới tới ngứa miệng cũng chêm vào:
- Đến như vua Thuận Tôn vừa qua, đi tu cũng chẳng biết số phận ra làm
sao nữa là...
Ông đạo sĩ điềm đạm nhắc mọi người:
- Kẻ tu hành này chỉ đoán số qua ngày. Xin quý vị chớ nói đến những
chuyện to tát ấy, kẻo liên luỵ tới người lương thiện.
Người nông dân tóc bù xù cười xoà:
- Ừ, phải? Xin các vị im lặng để tôi xem một quẻ. Tớ đang nóng lòng đây.