Kiếm ăn trước tiên là các hàng quán, nhà trọ. Tại một quán rượu khá sầm
uất, có một toán đàn ông người địa phương khác đang ngồi đánh chén.
Rượu vào lời ra, họ nói đủ thứ chuyện.
Ở một bàn rượu có ba người đang ngồi: một người đứng tuổi điềm đạm tên
gọi là Nhữ. một người râu xồm và một gã cao gầy. Người râu xồm hỏi:
- Thế nào bác Nhữ?
Nhữ nhìn con người hộ pháp râu xồm, ra chừng hiểu ý ông cười:
- ý của chú về khoản rượu thịt hả. Chú cứ thoả chí, nhưng cấm được say.
Tiếng trống hội tùng rinh tiến lại gần. Một đoàn lính từ cửa Tiền đi trên con
đường đá đến dãy phố ở chân Đốn Sơn. Đó là đoàn người mở đầu ngày hội.
Đoàn người gồm ba bộ phận. Nhóm đi đầu gồm chũm chọe, trống con và
trống lớn, nhóm này có nhiệm vụ khuấy động, tạo không khí tưng bừng,
gợi nhắc mọi người đi xem hội bằng một điệu trống rất vui, rất nhịp nhàng;
nghe điệu trống hầu như chẳng ai còn yên ổn ở nhà nữa. Nhóm thứ hai dân
gian vẫn gọi là các cô đĩ đánh bồng, nói theo chữ thời nay là các cô vũ nữ
múa trống cơm; các cô đều mặc áo dài đủ màu, váy chùng sát đất, thắt lưng
xanh đỏ phất phơ, ngang lưng đeo một chiếc trống cơm. Đến chỗ đông
người, đoàn đứng lại. Cô quản vũ cầm một chiếc trống khẩu ra hiệu lệnh
tom tom tom. Tức thì đội trống chiêng đánh vang lên một nhịp điệu rộn
ràng, lúc khoan, lúc nhặt. Và các cô đánh bồng bắt đầu múa theo điệu trống
chiêng, lúc sang ngang, lúc chạy dọc, lúc nghiêng nghiêng cái đầu, từng
cặp đối mặt, lúng liếng con mắt, ve vẩy đôi tay, chân thoăn thoắt tựa bay,
những tà áo phất phơ quấn quýt. Nhóm thứ ba là nhóm gọi loa, một ông
quan võ, lưng dắt kiếm, cưỡi con ngựa hồng, theo hai bên có hai tên lính
cầm loa. Khi đoàn nữ múa xong, tiếng loa vang lên:
Thiên hạ thái bình
Tây Đô khánh thành
Vua truyền mở hội
Tha tù giảm tội
Phóng thích cho nô
Phát chẩn mở kho
Nhà nhà no ấm...