trong cõi mộng mung lung, nhà vua chợt thấy một dị nhân, mình cao tám
thước, mày râu cứng nhọn, mặc áo giáp, tay cầm binh khí, đến trước cúi
đầu tâu rằng: “Tôi là Thần núi Đồng Cổ, nghe tin thái tử đem quân đi dẹp
giặc phương Nam, tôi xin theo giúp phá giặc, để lập chút công nhỏ”. Thái
từ cả mừng vỗ tay khen ngợi rồi tỉnh dậy. Sau đó tiến quân đánh chiếm quả
nhiên toàn thắng. Khi trở về qua núi Đồng cổ, thái tử sửa sang lễ tạ rồi rước
thần vị về kinh đô Thăng Long. để giữ dân, hộ nước. Đền thờ lập sau chùa
Thánh Thọ, thuộc địa phận thôn Đông, phường Yên Thái (làng Bưởi).
Khi Lý Thái Tổ chết, thái tử lên ngôi vua, tức vua Lý Thái Tôn. Đêm nằm
mộng thấy thần Đồng Cổ đến báo rằng: “Ba vị em vua là Vũ Đức Vương,
Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương âm mưu làm phản”. Lúc vua
tỉnh dậy. Sai Lê Phụng Hiểu dàn quân bố trí phòng bị. Sự việc xảy ra quả
đúng như giấc mộng. Loạn ba vương được dẹp tan. Đến đây, vua xuống
chiếu xây đàn thề ở miếu Đồng Cổ, và hàng năm cứ đến mồng bốn tháng tư
thì trăm quan hội họp làm lễ ăn thề.
Năm nay, ông vua già Trần Nghệ Tông cho mở hội thề to hơn mọi năm.
Tháng hai, viên quan coi việc tế lễ đã cho thợ đến sửa sang miếu thờ, cạo
rêu, quét vôi, tô tượng, thay những câu đối cũ. xây dựng lại những chỗ đổ
nát, sửa sang cây cối, trồng hoa, lát đường... và soát xét lại đồ tế khí. Đồ tế
khí ở đây có hai thứ có thể gọi là linh vật của đất nước.
Thứ nhất là chiếc chuông chùa Yên Tử. Hồi vua Trần Thái Tôn bỏ nhà lên
núi Yên Tử định cắt tóc đi tu, quan thái sư Trần Thủ Độ kéo cả triều đình
lên theo, cầu xin vua về cho hợp lòng dân. Việc đi tu của vua không thành.
Khi vua chia tay, Phù vân quốc sư nghĩ phải có cái duyên hạnh ngộ lớn thì
mới có một ông vua lên tận chốn núi cao hẻo lánh này để tìm Phật. Ông
bảo nhà vua: “Trong núi không có Phật. Phật ở trong lòng người”. Tuy
nhiên, để kỷ niệm cái duyên kỳ ngộ ấy, phù vân quốc sư tặng nhà vua Đại
Hồng Chung ở chùa Vân Yên đem về kinh đô.