- Tâu bệ hạ. Đây là chiếc chuông quý truyền mấy trăm năm suốt triều nhà
Lý. Đại Hồng Chung ít khi dùng đến, chỉ dùng vào dịp đầu xuân. Mỗi năm
khi chuông rung lên là mây mù ùn ùn kéo đến. Mây trắng che kín đầu Yên
Từ. Chuông gọi mây xong lại gọi mưa. Khi hồi chuông dồn dập binh boong
ngân nga lần thứ hai thì những hạt nước li ti nằm trong mây sữa run rẩy, rồi
chúng bay lượn quấn quít với nhau và thành những hạt to rơi xuống. Mưa
rào. Đó là phật lộ. Mong rằng tiếng chuông của đức Phật từ bi được vang
lên trên kinh thành Thăng Long. Mong rằng nước mưa của Phật từ bi sẽ
nhuần thấm trong lòng người dân kinh kỳ.
Chiếc chuông Yên Tử đem về được treo ở chùa Thánh Thọ. Mấy năm
trước, nhà sư Phạm Sư Ôn tập họp dân lưu tán đói khát nổi loạn. Giặc thày
chùa kéo về kinh thành Thăng Long đốt phá. Ông vua già Trần Nghệ Tông,
ông vua trẻ Trần Thuận Tôn và cả hoàng gia phải rời kinh đô đi lánh nạn.
Đội cấm quân phía hữu kinh thành đóng binh ở chùa Thánh Thọ. Đội quân
này đã gây cho quân nổi loạn nhiều thiệt hại. Tức giận, toán giặc thày chùa
đã tàn phá, đốt trụi khu chùa thắng cảnh đẹp nhất Thăng Long. Cũng may
khi giặc rút, nhân dân đã chữa cháy, cứu được tháp chuông. Giặc thày chùa
mà lại đốt chùa. Ông vua già thở dài, và chẳng lẽ để chiếc chuông linh
thiêng nằm chơ vơ giữa hoang phế, nên ông đã sai mang chuông đến đền
Đồng Cổ.
Chiếc linh vật thứ hai ở đây là chiếc Đại Đồng Cổ. Đền Đồng Cổ thực ra
thờ thần trống đồng. Khi vua Lý Thái Tôn rước linh vị thần Đồng Cổ ra
kinh đô Thăng Long, các vị bô lão đã xin vua rước cả trống thờ luôn theo.
Nhà vua không nỡ mang linh khí của nhân dân địa phương đi. Nhà vua
truyền rằng: “Linh vật của nhân dân phải giữ lại đây. Ta muốn thờ thần ở
hai nơi. Thần sẽ là thần hộ quốc, nhưng cũng vẫn còn là thần hộ dân địa
phương”.